Yêu cầu của Chính phủ về lộ trình đưa giá các mặt hàng năng lượng (than, điện, xăng dầu) theo thị trường từ năm 2013. Mặc dù chưa đạt hoàn toàn mục tiêu này, song 2013 thực sự là một năm có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, là cơ sở để việc điều hành giá năng lượng trong năm 2014 thuận lợi hơn.
Tiếp tục những thử thách
Năm 2014 sẽ là năm thử thách đối với các nhà điều hành giá năng lượng khi vừa phải đảm bảo kinh doanh có lãi, vừa góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng mặt khác, vẫn phải thực hiện lộ trình thị trường nhưng đồng thời phải kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số.
Tại Hội nghị tổng kết ngành than năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Lê Minh Chuẩn khẳng định, kể từ năm 2014, giá than bán cho điện sẽ được thực hiện hoàn toàn theo cơ chế giá thị trường. Đây là điều kiện để ngành than cải thiện đời sống cho người lao động và tái đầu tư sản xuất trong điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu hơn, đi xa hơn.
Các yếu tố hình thành giá sẽ được công khai trên tất cả các phương tiện thông tin. |
Tuy nhiên, cũng tại Hội nghị Tổng kết của ngành điện, Chủ tịch Tập đoàn điện lực Việt Nam - ông Hoàng Quốc Vượng lại tỏ ra hết sức lo lắng về sức ép lên giá thành sản xuất điện. “Năm 2014 theo chỉ đạo của Chính phủ, giá than cho điện ít nhất phải bằng giá thành sản xuất than năm 2014. Do vậy, ít nhất cũng phải tăng thêm 30% nữa. Giá xăng dầu cũng vậy. Lương, giá nhân công cũng tăng kể từ 1/1/2014... tất cả những điều này sẽ làm cho lợi nhuận của EVN hết sức khó khăn nếu như không được tăng giá điện”, ông Hoàng Quốc Vượng quả quyết.
Trong các Hội nghị tổng kết năm 2013, bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2014 của các ngành năng lượng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Hoàng Trung Hải cũng khẳng định, vốn đầu tư là một nút thắt trong đầu tư các mỏ than mới cũng như phát triển các công trình nguồn và lưới điện theo Tổng sơ đồ Điện VII. Nếu vẫn tiếp tục tồn tại một tỷ suất lợi nhuận quá thấp (chưa được 2% lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu), ngành điện khó có thể phát triển được.
Điều hành giá liệu có thuận lợi?
Việc điều hành giá các mặt hàng năng lượng trong năm 2014 chắc chắn là không đơn giản, khi nhìn vào thực tế việc tăng giá điện năm 2013. Mặc dù chỉ 1 lần tăng duy nhất cho cả năm - vào ngày 1/8/2013 - với lý do bù lỗ cho 2 lần điều chỉnh giá than tăng, song EVN vẫn không nhận được sự đồng thuận từ rất nhiều phía.
Theo tính toán của EVN, việc điều chỉnh thêm 5% giá điện trong năm 2013, ngành điện thu về được khoảng 3.600 tỷ đồng - vẫn chưa đủ bù vào chi phí tăng thêm khoảng 5.000 tỷ đồng của 2 lần điều chỉnh giá than và khoảng 1.000 tỷ đồng tăng thêm của việc điều chỉnh giá khí trong năm này.
Tuy nhiên, do giá điện của Việt Nam có xuất phát điểm thấp, cùng với thu nhập bình quân đầu người thấp với tỷ lệ người nghèo còn cao, trong khi điện là đầu vào của các ngành kinh tế mà kiểm soát việc “ăn theo” giá điện, giá xăng dầu sau mỗi lần điều chỉnh giá lại chưa làm được. Quan trọng hơn, những yêu cầu về minh bạch trong cách tính giá thành sản xuất-kinh doanh điện từ nhiều nguồn của Việt Nam vẫn chưa được đáp ứng đã khiến việc tăng giá gặp phải sự thiếu đồng thuận.
Phó Thủ tướng Chính phủ - Hoàng Trung Hải khẳng định, trong năm 2014 này, để tạo được sự đồng thuận của người dân, khách hàng tiêu dùng điện không có gì khác là phải tiếp tục công khai, minh bạch đến khách hàng.
“Phải tiếp tục việc công khai, minh bạch đến khách hàng toàn bộ những số liệu mà chúng ta có. Toàn bộ phải là số liệu đã được kiểm toán bởi kiểm toán độc lập. Đồng thời, phải giải thích. Người tiêu dùng có quyền được biết các số liệu hết sức minh bạch và công khai...”. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những cơ sở trong điều hành giá điện. Đó là Quyết định 69 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (thay thế cho Quyết định số 24); là Quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015…
Với các Quyết định này, sẽ kéo dài thời gian điều chỉnh giá điện giữa 2 lần liên tiếp từ 3 tháng lên 6 tháng. EVN cũng được phép điều chỉnh mức tăng thay vì 5% lên 7%. Và đến năm 2015 phải đảm bảo mức giá bán lẻ bình quân tối thiểu là 1.437 đồng/kWh và tối đa là 1.835 đồng/kWh. Như vậy, giá điện sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo chiều hướng tăng.
Cùng với quyết định thị trường đối với giá than, đối với mặt hàng xăng dầu, năm 2014 cũng sẽ có một Nghị định mới thay thế hoàn toàn Nghị định 84 làm cơ sở điều hành. Qua Nghị định này, Chính phủ yêu cầu tập trung đối với những vấn đề mới bổ sung về hệ thống phân phối, nguyên tắc điều hành giá bán lẻ xăng dầu, quy định về giá và cơ chế khuyến khích sử dụng xăng sinh học. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phân tích rõ hệ thống phân phối hiện hành với tỷ lệ các hình thức phân phối…
Có thể thấy, vấn đề quan trọng trong công tác điều hành giá các mặt hàng năng lượng hiện nay chính là việc thực thi các chính sách đã được ban hành có được tuân thủ? Đồng ý là phải linh hoạt trong cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nhưng nó cần được tính toán, cân nhắc một cách kỹ lưỡng, không thể giật cục như thời gian qua.
Ví như đối với xăng dầu, cần tuyệt đối tuân thủ việc điều hành có tăng, có giảm theo biến động giá thị trường, không thể lạm dụng vào các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn... vì mục tiêu kiểm soát lạm phát bất chấp biến động giá thế giới. Khi không còn đường lùi, hết thuế, quỹ âm.. thì lại buộc phải tăng bất chấp quy luật giá đảo chiều.
Và sau cùng là sự minh bạch - đây là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu của thị trường và cần được công khai trước người tiêu dùng đối với tất cả các mặt hàng năng lượng./.