Tại Hội nghị sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp vùng Trung du và miền núi phía Bắc diễn ra sáng 10/6 tại tỉnh Hà Giang, các đại biểu đề nghị, cần đẩy mạnh cơ chế hỗ trợ tín dụng cũng như xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu nông sản cho các hợp tác xã ngành hàng trong quá trình chuyển đổi và thành lập mới.

Thời gian qua, ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, nông dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở khu vực này thấp nhất so với cả nước. Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nhìn chung còn thấp nên chưa khuyến khích được người dân tham gia vào các hợp tác xã.

vov_hoi_nghi1_fgsz.jpg
Thứ trưởng Trần Thành Nam đề nghị cần nhân rộng các mô hình hợp tác xã hiệu quả.
Thống kê cho thấy, mới chỉ có 15% số hộ nông dân, tương đương hơn 1,8 triệu hộ ở khu vực này tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp. Một bộ phận hợp tác xã đã tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 nhưng còn mang tính hình thức, chưa mang lại lợi ích rõ rệt cho xã viên. Các mô hình hợp tác xã kiểu mới trong các lĩnh vực chuyên ngành như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp…chậm được tổng kết và nhân rộng.

Bàn về công tác tháo gỡ khó khăn trong đăng ký lại, thành lập mới, sát nhập, giải thể, chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, các đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân và cán bộ cơ sở. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện và ban hành các Nghị định mới và sửa đổi Nghị định có liên quan để hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp phát triển.          

Đặc biệt, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là vùng còn nhiều khó khăn có đặc thù vùng miền, vì vậy cần xây dựng Đề án Phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Ngoài ra, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương xử lý những khoản nợ và tài sản không chia của hợp tác xã khi giải thể, phá sản. Tạo cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận nguồn vay tín dụng…

Ông Vương Mạnh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Thành Sơn hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản ở tỉnh Lào Cai cho rằng, đặc thù của sản phẩm nông nghiệp là mang tính thời vụ, muốn tạo điều kiện cho Hợp tác xã đề nghị phải đẩy mạnh cải cách về thủ tục hình chính, có thể tiếp cận vốn nhanh nhất, tạo điều kiện thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các xã viên từ đó nâng cao hoạt động của hợp tác xã”, ông Tuấn chỉ rõ.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, sau gần 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, tốc độ tăng hợp tác xã nông nghiệp không nhiều nhưng chất lượng hoạt động của các hợp tác xã được nâng lên rõ rệt, nhiều hợp tác xã nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả đã giải thể.

Nhiều sản phẩm đặc trung của vùng Trung du miền núi vẫn gặp khó khăn trong liên kết sản xuất và tiêu thụ. 
Nhờ việc gắn kết chủ động vùng nguyên liệu, cung cấp đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra, qua thực tế ở 15 tỉnh, thành phố  khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có đến 38% hợp tác xã hoạt động hiệu quả sau khi tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đây là xu hướng chuyển biến tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về hợp tác xã được tổ chức hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012.

“Chính phủ giao Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã kiểu mới trên các lĩnh vực nông nghiệp. Căn cứ vào đặc thù và lợi thế, mỗi tỉnh nên xây dựng Đề án của riêng mình, qua đó sẽ nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực của Trung ương và địa phương để thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Theo quy định của Luật, các địa phương cần nhân rộng các mô hình hợp tác kiểu mới. Thời gian tới, cùng với các Bộ, ngành liên quan, Bộ Nông nghiệp sẽ rà soát các cơ chế, chính sách và kiến nghị Chính phủ bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển các hợp tác xã kiểu mới hiện nay”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định./.