Hiện nay, nước ta đã chủ động sản xuất được 30% - 35% sản lượng hạt giống lúa lai F1, tức là khoảng từ 6.000 -7.000 tấn giống/năm. Đây là dấu hiệu đáng mừng đối với Ngành Nông nghiệp Việt Nam, bởi trước đây, gần như toàn bộ hạt giống bố mẹ trong nước đều nhập từ Trung Quốc.

Kết quả quả này vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT nêu ra tại Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả triển khai các dự án khuyến nông về sản xuất giống lúa vụ Đông - Xuân 2014 - 2015 các tỉnh phía Nam diễn ra vào sáng  25/4 tại xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Hiện nay, diện tích gieo trồng lúa lai F1 ở nước ta khoảng 650.000 - 700.000 ha. Sau 3 năm triển khai Dự án “Duy trì và sản xuất hạt giống bố, mẹ của một số giống lúa lai 2 và 3 dòng phổ biến cho năng suất và chất lượng cao”, các địa phương đã sản xuất được 135 ha giống bố, mẹ nguyên chủng, năng suất tăng từ 1,5 - 2 lần so với lúa thương phẩm.

trinh_dien_uexx.jpgBộ NN&PTNT đã quy hoạch 5 vùng trung tâm sản xuất lúa lai.
Việc đưa lúa lai vào sản xuất giúp Việt Nam từ một nước thiếu lương thực triền miên vào những năm 1980 trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề then chốt trong sản xuất hạt giống lúa lai F1 là nguồn giống bố, mẹ. Những năm gần đây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và một số Công ty đã tự sản xuất và duy trì được nguồn nguồn giống bố, mẹ nên đã chủ động trong sản xuất.

Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ NN&PTNT đã quy hoạch 5 vùng trung tâm sản xuất lúa lai cho cả nước. Hiện các đơn vị đã thuê đất và các trung tâm được đầu tư hạ tầng, bà con được đào tạo để có tay nghề tốt tham gia sản xuất. Giống lúa lai có rất nhiều ưu điểm, ngoài việc cho năng suất cao thì một số giống có khả năng chống chịu với thời tiết bất thuận, một số giống chống chịu sâu bệnh tốt./.