Chiều 31/10, trả lời chất vấn của một số đại biểu Quốc hội đặt ra về vấn đề lợi dụng cổ phần hóa gây thất thoát lãng phí, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc quản lý đất đai, trong đó quản lý đất đai của doanh nghiệp cổ phần hóa hay sau cổ phần hóa là vấn đề rất hệ trọng. 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã lợi dụng chính sách quản lý đất đai của Nhà nước như việc di dời doanh nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi nội đô để chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không thu hồi, đấu giá.

dung_tai_chinh_dvwf.jpg
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Về định giá đất đai trong cổ phần hóa DNNN, Bộ trưởng Tài chính cho biết: Việc quản lý đất đai doanh nghiệp ở địa phương thuộc về tỉnh, thực tế nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách đất đai của Nhà nước, không thu hồi và không thực hiện đấu giá theo quy định Luật Đất đai.

Doanh nghiệp cổ phần hay của Nhà nước sau khi chuyển đổi mục đích vẫn phải thu hồi để đấu giá nhưng vừa qua có một số trường hợp không đấu giá khiến dân tâm tư, nhiều ý kiến cho rằng như vậy làm thất thoát và lãng phí, ông Dũng nêu thực trạng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Việc quản lý đất đai không ảnh hưởng đến cổ phần hóa doanh nghiệp. Nghị định 126 đã nêu rất rõ địa phương nơi doanh nghiệp cổ phần hóa phải phê duyệt phương án sử dụng đất. Các địa phương có doanh nghiệp sử dụng đất thì phải phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng thực tế, có những doanh nghiệp sử dụng đất ở nhiều địa phương nên việc triển khai bị chậm lại. Do đó theo kế hoạch, trong năm nay phải cổ phần hóa 80 doanh nghiệp thì đến nay mới phê duyệt 12 doanh nghiệp nên cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành.

Trước năm 2011, đất thuê phải tính giá trị, vị trí, giá thuế. Từ năm 2013, tính tiền thuê đất theo sát giá trị thị trường, doanh nghiệp phải nộp ngân sách phần chênh lệch. Từ đầu năm 2018, giá trị đất của doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hoá phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chuyển đổi mục đích phải thu hồi đấu giá theo quy định.

Trả lời chất vấn về tình trạng kinh doanh hoá đơn giá trị gia tăng trái phép, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận còn hiện tượng nộp thuế không xuất hóa đơn. Có doanh nghiệp, cá nhân lập doanh nghiệp để lợi dụng buôn bán hóa đơn để rút tiền hoàn thuế của Nhà nước. Bộ đã phối hợp xử lý nhiều vụ việc một cách nghiêm minh theo pháp luật.

Bộ đã kiến nghị với Chính phủ về việc thực hiện hóa đơn điện tử, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế hóa đơn điện tử. Đến nay, doanh nghiệp, nhà đầu tư cơ bản chấp hành nhưng vẫn còn hiện tượng bán hàng không xuất hóa đơn. Do đó, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền người dân, phối hợp tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh không dùng tiền mặt, xử lý nghiêm các vụ việc..., ông Dũng nói.

Bộ trưởng Tài chính cũng cho rằng, hiện nay mền kinh tế Việt Nam "sử dụng quá nhiều tiền mặt". Do đó, ông Dũng đề xuất, phải đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt hơn nữa, đẩy lùi thực trạng lập doanh nghiệp ma, lợi dụng buôn bán hoá đơn.../.