Trong cơ cấu sản xuất của Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), ngoài việc cung cấp đủ lượng than cho các hộ tiêu thụ trong nước, số lượng than còn lại sẽ được xem xét xuất khẩu. Riêng đối với khối lượng xuất khẩu do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 tương đương khoảng 14,5 triệu tấn than.

Tuy nhiên, đứng trước tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, nhu cầu than của các hộ tiêu thụ than lớn trong nước có giảm đi, bên cạnh đó, thuế xuất khẩu than ở mức cao (13%) nên khối lượng tồn kho than của Vinacomin hiện nay xấp xỉ khoảng 8 triệu tấn, bao gồm cả than nguyên khai và than thương phẩm. Trong đó, riêng than thương phẩm tồn kho khoảng 6 triệu tấn.

Giảm tồn kho than bằng cách xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), để giải quyết lượng than tồn kho cho Vinacomin, Bộ Công Thương đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép giảm thuế xuất khẩu than xuống 10%. “Đề xuất này đã được Chính phủ phê duyệt và Bộ Tài chính đã có Thông tư số 124/2013/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu 10% đối với các mặt hàng than thuộc nhóm 27.01 tại Biểu thuế xuất khẩu áp dụng từ ngày 1/9/2013. Đây cũng là động thái giải quyết khó khăn cho cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 02 của Chính phủ”, ông Thọ thông tin.

Bên cạnh đó, Tổng cục Năng lượng cũng chỉ đạo Vinacomin ngoài việc cân đối sản xuất cũng như nhu cầu tiêu thụ, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án xây dựng cơ bản để có điều kiện gia tăng sản lượng, khi nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là các dự án nhiệt điện than tăng nhanh sau 2015.

Đối với giải pháp chuẩn bị nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện chạy than, ông Nguyễn Khắc Thọ cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ cuối năm 2012, Bộ Công Thương đã phê duyệt đề án cung cấp than cho điện trong đó xác định nguyên tắc cấp than cho nhiệt điện: Than xấu cấp chủ yếu cho các dự án nhiệt điện phía Bắc, tránh chi phí vận chuyển khối lượng tạp chất đi xa. Bên cạnh đó, khi các dự án nhiệt điện ở phía Nam nếu thiếu nguồn than trong nước sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu.

“Theo quy hoạch điện 7 và tiến độ thực tế của các nhà máy nhiệt điện trong nước, Tổng cục Năng lượng sẽ cân đối lại việc phân bổ nguồn than đối với từng dự án. Trên cơ sở đó, Tổng cục Năng lượng sẽ yêu cầu các đơn vị sử dụng than nhập khẩu phải ký hợp đồng nguyên tắc với Vinacomin để thu xếp nguồn than nhập khẩu khi nhu cầu than trong nước không cung cấp đủ dự kiến sau năm 2017”, ông Thọ chỉ rõ.

Giảm công suất để làm thủy điện Ea K'tour

Liên quan đến dự án xây dựng thủy điện Ea K'tour (Đắk Lắk) ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, ông Thọ cho biết, đây là dự án thuộc quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt.

4thuydien_a866f.jpg
Thủy điện Ea K'tour sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, chủ đầu tư dự kiến lập dự án nhà máy thủy điện quy mô khoảng 9,3 MW và sẽ chiếm diện tích 6,4 ha thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Tuy nhiên do dự án chiếm quá nhiều diện tích nên tỉnh Đắk Lắk chưa cho phép triển khai dự án.Qua rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh, Bộ Công Thương cũng đã có đề nghị tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo chủ đầu tư nghiên cứu điều chỉnh dự án để giảm thiểu đất chiếm dụng trong vườn quốc gia.  

Cũng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay chủ đầu tư dự án thủy điện Ea K'tour đã xem xét giảm công suất của nhà máy xuống 5 MW, tương đương với diện tích sử dụng đất thuộc vườn quốc gia Chư Yang Sin giảm xuống còn 6 ha.

“Sau khi có ý kiến của UBND tỉnh Đắk Lắk và hồ sơ nghiên cứu điều chỉnh dự án, Bộ Công Thương sẽ xem xét quyết định về quy hoạch và đồng thời phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk để chỉ đạo việc triển khai dự án đầu tư xây dựng theo đúng quy định hiện hành”,ông Thọ cho biết./.

Tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Đắk Lắk chiều 3/9, ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thông báo, Đắk Lắk không triển khai khảo sát xây dựng nhà máy thuỷ điện Ea K’tuor do dự án ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và di tích lịch sử cách mạng Hang đá Đắk Tuor.
UBND tỉnh thống nhất không cho phép thực hiện dự án thủy điện này. Sau văn bản trả lời chủ đầu tư là Công ty TNHH Hoàng Nguyên, UBND tỉnh sẽ có công văn đề nghị Bộ Công Thương tạm dừng triển khai dự án./.