Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam” diễn ra ngày 3/4 tại Hà Nội, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, nghiên cứu phát triển liên kết vùng rất quan trọng để giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề vượt tầm của từng địa phương.

hoi_thao_lin_ket_vung_cagi.jpg
Hội thảo tại Hà Nội ngày 3/4

Bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn theo nguyên tắc “cùng thắng” để tối ưu hóa hiệu quả cũng như khả năng chống chịu với các rủi ro.

Giám đốc WB đánh giá cao sự tăng trưởng của Việt Nam trong những năm gần đây và khẳng định sự cần thiết trong việc nâng cao hiệu quả điều phối vùng để tối ưu hoá được các tiềm năng to lớn của Việt Nam.

Bà Victoria Kwakwa cho biết, WB sẵn sàng phối hợp với các tổ chức quốc tế và Chính phủ Việt Nam để triển khai hiệu quả nhằm thúc đẩy, phát triển vùng và điều phối vùng ở Việt Nam.

Liên kết vùng không chỉ là phép cộng

Để khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, phân bổ, sử dụng tốt nhất nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, cần có cơ chế rõ ràng để tránh chồng chéo bên cạnh việc tăng hiệu lực quản lý vùng.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cùng chung nhận định mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng, nhưng cũng còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, có tác dụng lan tỏa để hình thành nên các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng.

Các quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành theo vùng chưa thực sự là công cụ hữu hiệu trong định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, thu hút đầu tư, quản trị không gian kinh tế-xã hội, đặc biệt là thực hiện vai trò ràng buộc liên kết nội vùng.

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc liên kết vùng hiện nay vẫn dưới dạng tự nguyện, tự phát là chủ yếu, “thích thì làm không thích thì thôi” hoặc làm kiểu chiếu lệ.

Thực tế này dẫn đến tình trạng nhiều quy hoạch phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng trùng lặp, chồng chéo gây lãng phí nguồn lực phát triển trên quy mô lớn. Thậm chí hình thành xu hướng đua tranh không lành mạnh giữa các địa phương như hạ giá đất đai, ưu đãi quá mức…

Trong khi đó, nhiều vấn đề cấp bách cấp vùng hiện nay nổi lên mà từng địa phương không thể giải quyết được một cách hiệu quả như biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); khô hạn và quản lý nguồn nước ở Tây nguyên; quản lý rừng và sinh thái vùng miền núi phía Bắc…

TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá cao sự chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Chẳng hạn, vùng Tây Nguyên có cà phê, cao su, hoa và rau sạch; vùng ĐBSCL có lúa gạo, thủy sản và trái cây; vùng đồng bằng sông Hồng có sản phẩm phần mềm tin học, dược phẩm… Tuy nhiên, theo ông, kết quả chưa thực sự tương xứng và nhiều địa phương vẫn phát triển theo phong trào, chia cắt, tách biệt. Một số địa phương còn tỏ ra lúng túng trong hình thành cơ cấu kinh tế có hiệu quả ở mỗi vùng, vì vậy đều có xu hướng đưa ra định hướng phát triển kinh tế với cơ cấu công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp khá tương đồng, chưa có sự phân công, chuyên môn hóa sản xuất giữa các địa phương và giữa các vùng.

Gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu

Ông Carl Georg Christian Berger, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam tin rằng, điều phối vùng đủ mạnh sẽ mang tiềm năng to lớn trong việc giải quyết các vấn đề nằm ngoài tầm ảnh hưởng của các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Nhấn mạnh điều phối vùng mang lại lợi ích việc phát triển kinh tế vùng gắn với bảo vệ môi trường, Đại sứ cho rằng cần coi quá trình liên kết vùng như một cơ hội. Đây cũng là cơ hội cho các tỉnh và vùng cùng nhau phối hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

Hạn và xâm nhập mặn lấn sâu trong nội đồng tại ĐBSCL (Ảnh minh họa: Internet)

Đại sứ Christian Berger cũng khẳng định, Đức và một số đối tác quốc tế hoàn toàn ủng hộ vấn đề thúc đẩy điều phối vùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển kinh tế vùng cần thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

“Tại sao lại không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song song với bảo vệ môi trường? Biện pháp này có thể đưa ra định hướng cụ thể cho phát triển vùng và củng cố hai mục tiêu thúc đẩy kinh tế và môi trường”, Đại sứ Christian Berger nói.

Ông chỉ ra các thách thức về điều phối vùng, trong đó có bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, đồng thời lưu ý vùng châu thổ sông Cửu Long của Việt Nam đang trải qua hạn hán và lũ lụt lớn, xâm nhập mặn. “Nước ko thể dừng ở 1 tỉnh nên cần phải liên kết các tỉnh duyên hải để cùng nhau giải quyết,” Christian Berger lưu ý.

Ông cho biết, việc điều phối vùng mạnh mẽ mang lại tiềm năng to lớn nằm ngoài tầm đơn vị hành chính nhỏ hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Liên kết vùng sẽ giúp lập kế hoạch, dự toán ngân sách hiệu quả hơn, loại bớt các vấn đề phức tạp và mang lại nhiều cơ hội trong nền kinh tế thị trường mang hướng tập trung cao.

Đại sứ Christian Berger cho rằng, định hướng nền kinh tế thị trường với mức quản lý tập trung cao, cạnh tranh mạnh mẽ, phân cấp, phân quyền tốt sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng. Theo ông, vấn đề là xác định lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân. Cách tiếp cận theo vùng cho phép phát triển ở quy mô rộng hơn, hiệu quả hơn, tầm ảnh hưởng lớn hơn.

Nhà nước và tư nhân cần phối hợp chặt chẽ hơn, tạo điều kiện doanh nghiệp kết nối được với chính quyền địa phương, ông Christian Berger cho biết.

Đồng quan điểm với Đại sứ Christian Berger, Giám đốc WB Victoria Kwakwa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đảm bảo bền vững về môi trường và tăng năng suất lao động.

Sự tăng trưởng bền vững mà Việt Nam đang hướng tới liên quan chặt chẽ đến việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, liên kết, điều phối vùng mạnh mẽ. Phân bổ ngân sách hợp lý mới có thể nâng cao hiệu quả của việc liên kết vùng, tránh đầu tư dàn trải và tăng năng suất. Các tỉnh, tiểu vùng có các lợi ích so sánh khác nhau, chẳng hạn miền Nam có nông nghiệp và cây công nghiệp, miền Bắc có các khu công nghiệp lớn, miền Trung có lợi thế của vùng duyên hải. Nếu biết khai thác tốt, các vùng sẽ cộng lực đẩy nền kinh tế Việt Nam tiến xa hơn, bà Victoria Kwakwa nhận định./.