Đông Nam Bộ là khu vực đầu tàu kinh tế của cả nước, khi đóng góp hơn một nửa nguồn thu ngân sách quốc gia và thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất nước. Tuy nhiên, hiện nay những tiềm năng, lợi thế của khu vực kinh tế này chưa được phát huy đúng mức, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao và chưa bền vững.

Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, các tỉnh thành trong khu vực liên kết để cùng tăng trưởng thế nào? Vấn đề này được nhiều chuyên gia kinh tế tập trung trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ diễn ra hôm nay (16/9) tại thành phố Hồ Chí Minh.

tphcm_kkkj.jpg
Khu vực Đông Nam Bộ thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài (Ảnh: KT)

Theo các chuyên gia kinh tế, sau nhiều năm Chính phủ quy hoạch vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đến nay, sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực này vẫn chưa đồng nhất. Vì khu vực này không phân cấp, không ai quản lý, giám sát nên liên kết theo kiểu mạnh ai nấy làm, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, không ai chịu trách nhiệm.

Điều này dẫn đến có nơi quy hoạch thừa, có nơi thiếu và thậm chí có tình trạng mâu thuẫn quyền lợi giữa các địa phương, nhất là trong thu hút đầu tư. Theo đại diện một số tỉnh, thành trong vùng thì Chính phủ nên rà soát lại quy hoạch để tránh tình trạng chồng chéo. Điều quan trọng là cần phải có cơ quan điều phối vùng có đủ lực để điều hành việc thực hiện quy hoạch.

Ông Võ Văn Tư, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: “Giai đoạn đầu chúng ta cần ban điều hành đủ lực, đó là các Bộ ngành Trung ương hoặc là Chính phủ. Sau đó giao về cho các địa phương điều hành. Chúng ta chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thực hiện quy hoạch mà quy hoạch rồi để đó, mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm”.

Để phát huy được lợi thế, tiềm năng của khu vực Đông Nam Bộ thì các tỉnh, thành trong vùng cần xác định ngành nghề, phân khúc, sản phẩm cốt lõi có khả năng liên kết và cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước. Các địa phương cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm dịch vụ mới và xây dựng quy chế huy động vốn, đầu tư các cụm ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp hạt nhân.

Đó là các lĩnh vực quan trọng như: nông nghiệp sạch, công nghệ cao, logistics, du lịch… Đồng thời, các tỉnh, thành cần xây dựng cơ sở hạ tầng cứng và mềm, giáo dục, khoa học công nghệ.

Hiện nay, thế mạnh các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ là công nghiệp dệt may, chiếm đến 60% kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước. Để phát huy lợi thế đó, khu vực này phải giải quyết 2 vấn đề là nguồn nhân lực và nguồn nguyên liệu dệt may. Do năng suất lao động của Việt Nam còn thấp và chưa có đội ngũ thiết kế thời trang chuyên nghiệp nên giá trị gia tăng từ sản phẩm dệt may rất thấp.

Hơn nữa, 95% nguồn nguyên liệu dệt may của nước ta phải nhập khẩu từ các nước ngoài khối TPP. Vì vậy, các tỉnh, thành phải liên kết với nhau xây dựng cụm công nghiệp nguyên, phụ liệu dệt may. Nếu không liên kết lại thì không thể giải quyết được vấn đề này, không tận dụng được cơ hội khi TPP có hiệu lực.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Fulbright nói: “Nếu thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp đầu tư vào các thiết kế, các trường, viện nghiên cứu đào tạo nhân lực thiết kế, tạo thương hiệu thời trang. Nếu cùng nhau xây dựng cụm ngành thiết kế thời trang thì có nghĩa là chúng ta đang phân công lao động ở khu vực Đông Nam Bộ”.

Việc liên kết vùng đang có điểm nghẽn là thu hút đầu tư vì cơ sở tầng trong khu vực Đông Nam Bộ chưa kết nối hoàn thiện. Theo quy luật thì đường có thông thì giao thương mới thuận lợi. Nếu các tỉnh, thành trong khu vực liên kết để giải quyết vấn đề giao thông thì sẽ giảm rất nhiều chi phí cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đang có bất cập lớn trong đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực Đông Nam Bộ là tuy đóng góp hơn  52 % ngân sách quốc gia, nhưng tỷ lệ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực này rất thấp, chỉ chiếm hơn 18%. Riêng chiều dài đường cao tốc ở khu vực này cũng chỉ mới chiếm 1/7 của cả nước.

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn INTIMEX GROUP cho rằng: “Tại sao chúng ta không nối lại hệ thống giao thông trong hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo ra sự thông thoáng. Khi đó các doanh nghiệp sẽ tìm đến khi họ thấy có lợi và kết nối lại. Tại vì hiện nay, có một số nơi như Bình Dương, hạ tầng công nghiệp rất nặng nhưng muốn mở rộng sang nơi khác thi không kết hối được, hạ tầng kém”.

Vùng Đông Nam Bộ hiện nay đang rất cần một “nhạc trưởng” đủ lực để điều hành, tạo động lực phát triển tiềm năng thế mạnh của cả khu vực. Để làm được điều này, cần phải có cơ chế đặc thù cho liên kết kinh tế vùng và vận hành theo quy luật thị trường chứ không phải mệnh lệnh hành chính.

Nếu cứ làm theo cách cũ thì quy hoạch và liên kết kinh tế Đông Nam bộ sẽ tiếp tục kém hiệu quả./.