Thời gian qua, giá gạo Việt Nam luôn cao hơn Thái Lan đã khẳng định được giá trị thương hiệu của gạo Việt ở các thị trường xuất khẩu. Giá gạo ổn định, ngoài vấn đề cơ cấu giống thơm, chất lượng, đặc sản thì vấn đề liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp để nâng cao giá trị hạt gạo đã được quan tâm đúng mức, không chỉ hình thành những vùng liên kết sản xuất lớn mà đảm bảo được các yếu tố về môi trường, chất lượng mà các đối tác nhập khẩu yêu cầu.
ĐBSCL có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của cả nước. Năm qua ngành hàng lúa gạo Việt Nam là điểm sáng trong xuất khẩu khi đóng góp hơn 3 tỷ USD. Để có được kết quả này, trong thời gian qua, các địa phương đã tăng cường liên kết giữa người dân và doanh nghiệp để tạo ra vùng liên kết lớn, hình thành những cánh đồng lớn chuyên sản xuất gạo đặc sản để xuất khẩu.
Đã có những lô hàng gạo của doanh nghiệp xuất đi thị trường châu Âu với giá trên 1.000 USD/tấn, đây là con số ấn tượng đối với ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm vừa qua.
Xây dựng cánh đồng lớn để gia tăng giá trị hạt gạo
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long hiện có khoảng 160.000ha đất sản xuất lúa với sản lượng hàng năm đạt 942.000 tấn. Với mục tiêu tăng năng suất và tăng giá trị hạt gạo, canh tác lúa theo hướng thâm canh bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn và thân thiện với môi trường, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai xây dựng các mô hình “Cánh đồng lớn” với phương châm “Nông dân nhỏ nhưng cánh đồng lớn”.
Trong thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung hình thành những vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Sản xuất lúa theo hướng VietGAP nhằm tiến tới việc nâng cao giá trị và chất lượng của hạt gạo Việt Nam đối với thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới.
Sản xuất trong cánh đồng lớn nông dân được hướng dẫn khoa học kỹ thuật canh tác, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm nên nông dân rất đồng tình ủng hộ.
Ông Phạm Văn Long, một nông dân ở xã Long An, huyện Long Hồ có hơn 1 ha đất nông nghiệp nằm trong mô hình cánh đồng lớn cho biết nhờ có sự liên kết sản xuất nên lúa bán được giá rất cao.
"Trong kinh nghiệm sản xuất lúa, tôi làm rất kỹ khâu dọn đất, khử lẫn. Giống thì tôi sử dụng giống thuần, nhưng khi xuống giống, lúc trổ thì tôi cũng khử giống cho triệt để mới tốt được", ông Long nói.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, đến nay tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng được hàng trăm cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 1 ngàn ha. Nhiều cánh đồng trong tỉnh có điều kiện hiện đang có kế hoạch để phát triển mô hình này.
"Việc liên kết bao tiêu sản phẩm rất cần thiết, trên cơ sở đó các doanh nghiệp cũng sẽ đăng ký đáp ứng theo yêu cầu của phía nhập khẩu để chúng ta có thể hình thành được vùng nguyên liệu rộng lớn đủ cung cấp với những tiêu chuẩn an toàn mà các nước nhập khẩu gạo đã quy định.
Ngoài việc hỗ trợ trong việc liên kết sản xuất chúng ta hình thành được các tổ hợp tác và hợp tác xã để chúng ta thuận lợi trong việc đầu tư. có như vậy thì chúng ta mới phát triển được ngành hàng lúa gạo" - ông Liêm nhấn mạnh.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ
Tại Đồng Tháp với sản lượng lúa hàng năm đạt khoảng 3,3 triệu tấn, trong thời gian qua địa phương đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, áp dụng cơ giới hóa, quy trình canh tác mới vào sản xuất, đã hình thành các vùng liên kết lớn giữa doanh nghiệp và người người dân tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu.
Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức thay đổi tập quán canh tác của nông dân; đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết với các nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp trong thực hiện chuỗi giá trị. Các cánh đồng lớn phát huy hiệu quả tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, không chỉ ổn định về giá cả mà thương hiệu gạo của Đồng Tháp cũng được khẳng định.
Ông Võ Thành Ngoan cho biết thêm, cơ cấu giống thơm, đặc sản của địa phương chiếm từ 70 – 80%, đây là những giống chất lượng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường châu Âu và nhiều thị trường khác. Để khẳng định ngành hàng lúa gạo, địa phương đã liên kết với một số doanh nghiệp lớn để ổn định đầu ra, đồng thời tập trung sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn, thân thiện với môi trường.
"Rõ ràng, những năm gần đây, gạo của Việt Nam giá cao hơn so với thị trường các nước, điều đó cho thấy việc tạo cho nông dân những kỹ thuật, hướng cho nông dân cách sản xuất các loại giống chất lượng cao, cũng như sản xuất giống nhằm đảm bảo đến hướng an toàn và phục vụ cho sức khỏe là đi đúng. Và thực chất giá gạo Việt Nam tăng lên trong thời gian vừa rồi" - ông Ngoan chỉ rõ.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, về nguồn giống chất lượng cao hiện nay Việt Nam đang có nhiều chủng loại, tạo sức cạnh tranh đáp ứng thị hiếu của các đối tác nhập khẩu và gạo Việt Nam đang chiếm ưu thế ở thị trường cấp trung và cao cấp so với các nước trong khu vực.
Gạo Việt Nam khẳng định được thương hiệu không chỉ về nguồn giống mà sự liên kết chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp tạo ra những vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Về sản phẩm thì trong năm nay, Hiệp hội lương thực và các doanh nghiệp trong Hiệp hội lương thực tập trung vào những sản phẩm chất lượng cao và trong những năm qua đang đạt được những kết quả tốt. Phát triển thị trường gạo chất lượng cao, đảm bảo về an toàn, thực phẩm để gia nhập những thị trường khó tính như châu Âu, Úc, Mỹ, Canada.
Đổi mới công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam không ngừng thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện, Việt Nam đã ký kết, thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do và 2 Hiệp định đang trong quá trình đàm phán. Trong đó, các Hiệp định như Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được coi là các FTA thế hệ mới, là cơ hội để khẳng định hơn nữa thương hiệu gạo của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, để khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm chất lượng. Và doanh nghiệp cần đổi mới hệ thống máy móc để gia tăng giá trị hạt gạo của Việt Nam và các doanh nghiệp cần chắt chiu từng cơ hội ở các thị trường xuất khẩu hiện nay.
"Các cơ sở chế biến, xay sát gạo thì phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thứ hai gia tăng giá trị bằng những cái nhóm sản phẩm, chẳng hạn như gạo hữu cơ.
Thứ ba chúng ta phải cố gắng đạt được những chứng chỉ quan trọng để chúng ta khẳng định cái thị trường xuất khẩu của chúng ta, và cái thứ tư chúng ta phải luôn luôn rà soát lại những vấn đề liên kết sản xuất, đó là liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Chỉ khi có liên kết bền, chặt thì chúng ta mới có được việc chúng ta canh tác trên một diện tích lớn, và đem lại hàng hóa xuất khẩu cao" - ông Toản bày tỏ.
Thời gian qua, gạo Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu và chinh phục thành công ở những thị trường khó tính. Đây là tín hiệu vui đối với doanh nghiệp và người dân vùng ĐBSCL, nơi được xem là khu vực vựa lúa lớn nhất của cả nước. Việc thay đổi tư duy sản xuất, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp đã cho thấy giá trị mang lại khi những lô hàng lần lượt vào được các thị trường tiềm năng với giá bán cao hơn so với một số nước trong khu vực.
Tuy nhiên, để phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững, mang lại giá trị cao, khẳng định thương hiệu trên thương trường cần phải quan tâm đến các sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản sạch, đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường và khi đó ngành hàng lúa gạo Việt Nam sẽ mở thêm tiềm năng, cơ hội mới tại các thị trường xuất khẩu./.