Một trong những sự kiện nổi bật nhất của kinh tế Việt Nam năm 2014 là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Lạm phát thấp mang đến nhiều cơ hội và thách thách cho nền kinh tế. Các chính sách cần được điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến mới. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo Lạm phát Việt Nam 2014: Cơ hội và thách thức, do Học viện Tài chính tổ chức hôm 26/12.
Theo Tổng cục Thống kê, xét bình quân năm so với cùng kỳ, năm nay, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 4,09%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,6% của năm 2013. Bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê nhận định, nhìn chung giá tiêu dùng năm nay có bước đi chậm, ít gây ra những cú sốc với nền kinh tế, song cuối năm CPI vẫn khiến dư luận bất ngờ khi nhiều quy luật bị phá vỡ. Nguyên nhân trước hết là cầu tiêu dùng vẫn yếu và chưa được cải thiện nhiều. Giá mặt hàng thiết yếu trên thế giới ổn định. Đáng chú ý nhất là giá xăng dầu thế giới giảm mạnh những tháng cuối năm, kéo theo giá xăng dầu trong nước giảm sâu, khiến giá cả nhiều nhóm mặt hàng cũng giảm theo.
Lạm phát thấp sẽ là cơ hội để ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Nếu lãi suất cho vay giảm 1% sẽ tác động tổng hợp tới nền kinh tế, làm GDP năm 2015 tăng thêm khoảng 0,45% và lạm phát giảm khoảng 0,76%. Với tiêu dùng, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn. Cầu tăng lại có tác động tích cực đến mở rộng sản xuất và kéo theo tăng trưởng tốt hơn.
Bà Ngô Thị Ánh Dương cho rằng: “Năm 2014 là một năm thành công của việc ổn định giá cả, sau một vài năm giá cả tăng cao và liên tục. Chúng ta sẽ ít gặp trường hợp tốc độ tăng CPI thấp hơn tốc độ tăng GDP. Nền kinh tế đã có những bước chuyển. Vì vậy nhiều chính sách cần xoay chuyển sao cho phù hợp và thích ứng với tình hình mới. Nếu chúng ta cứ băn khoăn với tình hình CPI tăng thấp thì chính sách của chúng ta không xoay chuyển theo thì không phù hợp. Có những giai đoạn không đứng lại lâu, nếu chúng ta không những chính sách thay đổi thì không chớp được thời cơ.”
Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, lạm phát thấp cũng đặt ra nhiều thách thức. Điều này thể hiện sự phục hồi kinh tế chưa thật sự mạnh mẽ, với mức tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư còn thấp hơn so với tiềm năng. Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính nhận định, khi lạm phát giảm xuống mức thấp mà lãi suất danh nghĩa không giảm theo một cách tương ứng, mức lãi suất thực sẽ neo ở mức cao, khuyến khích người tiết kiệm, giảm chi tiêu, khiến cầu nội địa tăng chậm và hệ quả là lạm phát có thể tiếp tục giảm. Để ứng phó với tình hình này, trong ngắn hạn, chính sách tiền tệ và tỷ giá cần mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức tăng trưởng 6% đồng thời với mức lạm phát khoảng 3% trong tương lai.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong bối cảnh lạm phát thấp như hiện nay, Chính phủ có điều kiện thuận lợi hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vốn đang rất chậm hiện nay: “Lạm phát thấp tạo dư địa lớn cho các chính sách, đặc biệt chính sách tài chính, tiền tệ. Ví dụ lãi suất có thể giảm tiếp, nhưng việc doanh nghiệp có tiếp cận được hay không lại là chuyện khác. Ngoài ra, trong bối cảnh này có thể giảm thuế, sẽ làm cho sản xuất phát triển, nguồn thu và nuôi dưỡng nguồn thu có thể tăng lên. Lạm phát thấp cũng tạo dư địa lớn cho điều hành các chính sách về giá theo lộ trình có thể thực hiện được…”.
Một số chuyên gia dự báo năm 2015, CPI vẫn tiếp tục ở mức thấp, trong khoảng 3%-4%. Giai đoạn duy trì lạm phát ổn định là thời cơ thuận lợi cho các nhà hoạch định chính sách, kiềm chế lạm phát, tập trung cho mục tiêu tăng trưởng cao hơn, bằng việc chuyển đổi chính sách và các giải pháp quản lý điều hành kinh tế vĩ mô những năm tới./.