Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố Bản tin Kinh tế vĩ mô số 10. Trong đó, Ủy ban đưa ra dự báo, lạm phát của Việt Nam nhiều khả năng sẽ dưới mức 7% trong năm 2014.
|
Ủy ban KTQH dự báo, giá cả năm nay không có biến động lớn như các năm trước |
Phân tích cơ sở của dự báo này, Ủy ban KTQH cho biết: trong bối cảnh tổng cầu nói chung và cầu trong nước nói riêng chậm hồi phục, áp lực đối với lạm phát sẽ chủ yếu từ các nhân tố chi phí đẩy. Giá các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu vẫn tiếp tục được điều chỉnh, song ít có biến động lớn như các năm trước.
Áp lực lạm phát vẫn còn tiềm ẩn“Quý I/2014, chỉ số giá tiêu dùng cả nước trong tháng 3 đã giảm 0,44% so với tháng 2, khiến tỷ lệ lạm phát 3 tháng đầu năm ở mức rất thấp 0,8%. Điều này cho thấy, mục tiêu đạt mức lạm phát dưới 7% năm 2014 là khả thi cao. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn còn tiềm ẩn và có thể khiến giá tiêu dùng tăng nhanh trở lại nếu thiếu sự lưu tâm đúng mức từ chính sách kinh tế vĩ mô”- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Bên cạnh đó, quá trình điều chỉnh giá cũng minh bạch hơn với việc công khai lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu giai đoạn 2014-2015 theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục được giữ ổn định, với biến động giảm giá VND không vượt quá 2% năm 2014 theo công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, giá nhiều mặt hàng trên thị trường quốc tế dự báo sẽ giảm mạnh, qua đó giảm áp lực tăng giá trong nước.Theo đó, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam dự báo đạt 6,84% năm 2014 (biến thiên trong khoảng tin cậy từ cận dưới 5,53% tới cận trên 8,21% với độ tin cậy 80%) và sẽ tăng nhẹ lên mức 7,08% năm 2015 (biến thiên trong khoảng tin cậy từ cận dưới 5,71% tới cận trên 8,45% với độ tin cậy 80%).
Vì thế, Ủy ban KTQH cho rằng, nếu ưu tiên mạnh mẽ mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì tỷ lệ lạm phát năm 2014 có thể sẽ cao hơn. Tuy vậy, nếu muốn kiềm chế lạm phát ở mức 6% thì chính sách kinh tế vĩ mô phải tập trung hạn chế cả các yếu tố “cầu kéo” và “chi phí đẩy”, qua đó có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế./.