Báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC về kinh tế vĩ mô Việt Nam, đưa ra nhận định: “Số liệu lạm phát tháng 2 yếu hơn dự báo đã cho thấy các hoạt động kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng bới yếu tố lòng tin của người tiêu dùng”.
Giá cả sẽ giảm biến động
HSBC phân tích: Dịp Tết Nguyên đán thông thường thúc đẩy không chỉ nhu cầu đối với thực phẩm mà còn cả vận chuyển và một số mặt hàng cốt lõi khác. Lạm phát toàn phần 2 tháng vừa qua thực chất là do giá cả thực phẩm cao hơn dẫn dắt. Số liệu khá điềm tĩnh của tháng 2 cho thấy người tiêu dùng chỉ dành tiền tiêu vào những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm trong khi lại đang cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng gia dụng và may mặc.
Theo HSBC, lạm phát cơ bản, giá thực phẩm và lạm phát toàn phần sẽ từ từ hội tụ làm giảm biến động giá cả |
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI vẫn không đủ để vượt qua tình hình kinh tế nội địa uể oải. Khoảng cách sản lượng của Việt Nam đang ở mức âm kể từ năm 2011. HSBC cho rằng, thiếu hụt về sản lượng sẽ tiếp tục âm vào năm 2015 với nhân công lao động và vốn hoạt động dưới mức khả năng còn lâu hơn nữa. Lạm phát cơ bản, giá thực phẩm và toàn phần sẽ từ từ hội tụ làm giảm biến động giá cả.
“Điều đáng lo ngại, theo HSBC, nếu đầu tư và chi tiêu thiếu hiệu quả trong thời gian quá dài thì nhiều thiệt hại sẽ giáng vào nền kinh tế gây ra những hậu quả dài hạn”- HSBC nhấn mạnh.
Cùng với đó, HSBC cho rằng, nhu cầu đối với lao động bán chuyên đang tăng do dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhưng nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn yếu. Với lượng lao động không chính thức tương đối lớn (ước tính chiếm khoảng 23,5% tổng lực lượng lao động) và 82% người lao động không có bảo hiểm xã hội, các hộ gia đình có thể bị ảnh hưởng trước những cú sốc kinh tế. Điều này giải thích cho hành vi tiêu dùng cẩn trọng của người Việt Nam trong thời điểm Tết Nguyên đán vừa qua đi ngược lại với những gì đã diễn ra trong những năm trước khi mà thời điểm lễ lạt thông thường thúc đẩy chi tiêu cho quần áo và đồ gia dụng mới.
Cải cách chậm tác động xấu đến lòng tin tiêu dùng
Theo HSBC, tốc độ cải cách khá chậm chạp đã không tạo lòng tin cho người tiêu dùng trong tương lai. Với nhu cầu trong nước thấp, từ tháng 3 đến tháng 6/2014 sẽ có mặt bằng giá không thuận lợi. Điều này có nghĩa rằng khi giá mặt hàng thực phẩm hay chi phí vận chuyển tăng đáng kể có thể sẽ đẩy lạm phát toàn phần lên cao.
Việc giá xăng tăng sẽ thêm áp lực lạm phát nhưng thay đổi khá nhỏ chỉ ở xung quanh mức tăng 1%. HSBC kỳ vọng lạm phát toàn phần sẽ tăng nhẹ trong quý II/2014 do mặt bằng giá cả không thuận lợi và chi phí năng lượng có tiềm năng tăng cao hơn.
Từ những phân tích trên, HSBC kết luận rằng: Giá cả hàng hoá toàn cầu ổn định, lạm phát cơ bản sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, lạm phát toàn phần có thể sẽ tăng trong 4 tháng tới do mặt bằng giá cả không có nhiều thuận lợi và giá năng lượng tăng cao. Nhu cầu yếu hơn kỳ vọng và lạm phát giá thực phẩm chậm hơn do giá gạo ổn định đã buộc HSBC giảm dự báo lạm phát trong năm 2014 còn 7,3%. Một khi lạm phát giảm, Ngân hàng Nhà nước có cơ sở để giữ lãi suất OMO ổn định ở mức 5,5%./.