Như đã đề cập ở bài viết trước, việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) lập siêu liên doanh để khai thác dầu tại Venezuela song chưa khai thác được giọt dầu nào thì đã tiêu tốn cả nghìn tỷ, đã đặt ra hàng loạt câu hỏi lớn: Vốn Nhà nước bị thất thoát thế nào? Tại sao vốn Nhà nước lại bị thất thoát lớn đến thế? Trách nhiệm thuộc về ai? Và điều quan trọng là phải làm gì để quản lý, tăng hiệu quả đầu tư vốn nhà nước ra nước ngoài?
Phải tuân thủ chặt chẽ quy trình đầu tư
Theo nhận định của PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, nguyên nhân dẫn đến việc PVN làm thất thoát hàng nghìn tỷ đống từ vốn Nhà nước trước hết là về mặt cơ chế chính sách chưa được đầy đủ, cụ thể và rõ ràng, đặc biệt là những chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm tỷ phần chủ yếu, hoặc hoàn toàn vốn nhà nước nói riêng.
Mỏ dầu Junin 2 (Ảnh: PVN) |
“Thời gian qua, chúng ta cũng có những cơ chế chính sách chung cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài với những yêu cầu, các quy trình cũng như các bước,…nhưng tính cụ thể của các văn bản hướng dẫn dưới luật để có tính thực thi thì còn rất thiếu và yếu. Chính vì những quy định không cụ thể nên khi áp dụng các quy định đó vào thực tiễn, người ta dễ nhìn thấy những khoảng trống về mặt pháp lý, khiến một cá nhân hay tổ chức có được quyền lực lớn hơn mức thông thường. Điều này đã gây nên những quyết định đầu tư chưa thực sự đầy đủ và hiệu quả không cao”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
Điều quan trọng hơn, theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, đó là khi quy trình đầu tư chung dù đã có, nhưng việc chấp hành quy trình đó từ khâu xem xét, nghiên cứu thị trường cho đến xem xét các nhu cầu cùng các vấn đề có liên quan để đưa ra quyết định đầu tư ra nước ngoài thực hiện chưa tốt, hoặc không được chấp hành một cách nghiêm túc.
Phải thẩm định “đến nơi đến chốn”
Việc thẩm định dự án của các cơ quan có thẩm quyền cũng không đến nơi đến chốn nên khi đưa ra những quyết định đầu tư thì cơ sở khoa học và đặc biệt là tính hiệu quả không được nghiên cứu đầy đủ, dẫn đến rất nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài nói chung và của PVN nói riêng đã không đạt được hiệu quả kinh tế như mong muốn.
Chỉ rõ đối với những dự án của PVN trong quá trình triển khai thực hiện đã thiếu nguồn lực, đặc biệt là việc tập trung nguồn lực để thực hiện nhanh chóng, dứt điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích: Đã đầu tư thường mang tính thời cơ, thời điểm, nhưng khi chủ đầu tư không tập trung được nguồn lực và không thực hiện đúng thời gian thường sẽ dẫn đến hiệu quả đầu tư không thể đạt được như mong muốn.
Bên cạnh đó, theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, quy trình kiểm tra giám sát của các cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam còn rất lỏng lẻo và thậm chí là bị buông lỏng. Đặc biệt là với những doanh nghiệp lớn có vị thế và vai trò lớn trong nền kinh tế thì vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đã thật sự không sâu sát.
Phải tính trước các rủi ro
Từ những sai phạm dẫn đến thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của PVN tại Venezuela, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, cho rằng việc đầu tư của Việt Nam tại Venezuela coi như thất bại tại thời điểm này khi mà cả đất nước Venezuela chìm trong khủng khoảng, dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả và không đạt được như kỳ vọng.
Đi ngược lại dòng thời gian hàng chục năm về trước để xem những yếu tố nào dẫn đến việc Chính phủ Việt Nam quyết định đầu tư tại Venezuela, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, bối cảnh khi đó rất khác so với hiện tại.
“Lúc bấy giờ Venezuela là một trong những nước sản xuất dầu lửa lớn của khu vực Nam Mỹ. Mối quan hệ của Việt Nam và Venezuela tiến triển rất tốt. Việt Nam cũng là nước sản xuất dầu lửa, trong bối cảnh đó, việc Việt Nam hợp tác với Venezuela và xây dựng một dự án đầu tư tại đất nước này có nhiều yếu tố thuận lợi”, TS. Hiếu phân tích.
Tuy vậy, TS. Hiếu nhìn nhận, đội ngũ phụ trách dự án đã không làm tròn bổn phận của mình. Bởi việc khai thác dầu lửa phải đối mặt với nhiều rủi ro, có thể mất nhiều thời gian, chi phí cao mà vẫn không tìm được mạch dầu. Cùng với đó là sự biến động giá dầu lửa trên thị trường rất khó lường.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trước khi đầu tư vào dự án khai thác dầu khí ở Venezuela thì cần phải tính đến những rủi ro có thể xảy ra, cộng với cả vấn đề rủi ro về mặt chính trị. Vì thực tế, Venezuela nằm trong khu vực Nam Mỹ là một trong những quốc gia đối đầu với Mỹ, do đó có những rủi ro rất lớn về mặt chính trị.
Những người phụ trách dự án đầu tư tại Venezuela dĩ nhiên không ai có thể lường trước được tương lai sẽ ra sao, không ai có thể đoán định được “vận mệnh” của Venezuela sẽ đi về đâu, việc khai thác dầu ở Venezuela sẽ như thế nào. Nhưng trước khi làm thì phải phân tích, nghiên cứu sơ bộ dựa trên những yếu tố khi đó để Chính phủ có quyết định phù hợp nhất, sáng suốt nhất.
Công khai các dự án đầu tư ra nước ngoài
Hiện nay, chưa có một báo cáo cụ thể là các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài bao nhiêu tiền, hiệu quả ra sao, dự án nào mất vốn, khả năng bảo toàn và đặc biệt là biện pháp xử lý thế nào đối với những khoản có nguy cơ mất vốn cao. Việc đầu tư kinh doanh, đặc biệt là ra nước ngoài, thì khả năng thua lỗ và mất vốn là một thực tế khách quan của thị trường, đầu tư ngay cả trong lĩnh vực tư nhân có được, có mất.
Đối với trường hợp của PVN, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần đánh giá một cách khách quan trên nguyên tắc tôn trọng thị trường. Nếu việc PVN mất vốn là do khách quan, bất khả kháng và lý do thị trường như giá dầu giảm, có sai số lớn về sản lượng dự kiến và sản lượng thực tế thì có thể chấp nhận được. Còn lý do mất vốn là do hành vi thiếu trách nhiệm, đánh giá chủ quan, không làm đúng các quy định thì rõ ràng cần phải xử lý trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân liên quan trực tiếp tới việc mất vốn. Đặc biệt, cần lập một tổ công tác nhằm khắc phục hậu quả, dùng các biện pháp kinh tế, ngoại giao để có thể thu hồi phần nào đó vốn nhà nước.
Từ sự việc đáng tiếc trong đầu tư của PVN ở Venezuela, ông Nguyễn Thanh Hà lưu ý: “Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế và pháp luật về quản lý vốn đầu tư ra nước ngoài khi sử dụng vốn nhà nước; Có sự thanh tra và giám sát của cơ quan chức năng đối với khoán vốn đầu tư; Đối với những dự án lớn, cần có sự tham gia của tư vấn nước ngoài và tiến hành thận trọng, có sự thẩm tra của các cơ quan chức năng, gắn trách nhiệm của những người phê duyệt dự án”.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ giúp ngăn chặn các nguy cơ thất thoát vốn nhà nước.
Uỷ ban này không can thiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp của các doanh nghiệp mà là giám sát vốn đó các doanh nghiệp dùng hiệu quả không, có khả năng, nguy cơ thất thoát hay không và sẽ triển khai các biện pháp can thiệp. Uỷ ban thực hiện giám sát thường xuyên, công tác giám sát mỗi doanh nghiệp sẽ được “trông coi” kỹ càng, để phát hiện và giảm thiểu nguy cơ thất thoát lãng phí.
Thứ trưởng Nguyễn Quang Mạnh cũng nêu rõ sự cần thiết phải nâng cao trách nhiệm giải trình, chịu trách nhiệm của cá nhân đối với việc sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp./.
Bài 2: Từ siêu dự án khai thác dầu tại Venezuela:Làm gì để tăng hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước ra nước ngoài?