Thời gian qua, hàng loạt các ngân hàng tăng lãi suất huy động. Không chỉ các Ngân hàng nhỏ mà cả các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng điều chỉnh tăng, khiến lãi suất cho vay cũng rục rịch tăng theo.
Mới đây một số ngân hàng tiếp tục “châm ngòi” cho “cuộc đua” mới. Theo đó, lãi suất huy động được một số ngân hàng đẩy lên mức 8,2%/năm, thậm chí có ngân hàng huy động ở mức 8,38%/năm. Điều này khiến các doanh nghiệp không khỏi lo ngại lãi suất cho vay cũng “té nước theo mưa”.
Hàng loạt các ngân hàng tăng lãi suất huy động. (Ảnh minh họa: KT) |
Tương tự, VietinBank cũng mạnh tay điều chỉnh lãi suất tiền gửi, trong đó, tăng mạnh nhất là lãi suất huy động kỳ hạn 12-24 tháng, từ 6% lên 6,8%. Ngoài ra, Vietcombank cũng tăng lãi suất huy động 0,2-0,5% đối với từng kỳ hạn.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất chè xuất khẩu ra nhiều thị trường nước ngoài, ông Ngô Thành Nam, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội cho biết, Công ty thường phải vay lãi suất ngân hàng khá cao, trong khi các đối thủ nước ngoài họ vay lãi suất rất thấp, thậm chí là 0% nên việc cạnh tranh khá khó khăn. Với số đơn hàng xuất khẩu thường xuyên, chi phí trả lãi vay ngay ngân hàng chiếm khoảng 30% tổng chi phí của doanh nghiệp. Chính bởi vậy, mỗi biến động lãi suất trên thị trường đều sẽ tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Công ty cơ cấu chi phí trả cho lãi suất sẽ khoảng 30% cơ cấu chi phí chung cho doanh nghiệp hàng tháng. Chính vì vậy, nếu trường hợp lãi suất tăng lên thì vô hình chung sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp, cuối cùng sẽ lại phải tính vào giá. Nếu tính vào giá thì làm cho sản phẩm mình bán ra bị cao lên và như vậy thì sức cạnh tranh của mặt hàng của mình với một số mặt hàng cùng loại của các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ theo đó sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ bị yếu đi”, ông Nam bày tỏ.
Lãi suất vốn vay ngân hàng luôn là một trong những yếu tố trực tiếp tác động vào giá thành sản phẩm, dịch vụ và cũng trực tiếp kéo giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Nỗi lo của những doanh nghiệp này càng lớn hơn khi suốt từ cuối năm 2015 đến nay, các cuộc chạy đua lãi suất huy động vẫn ngầm diễn ra giữa các tổ chức tín dụng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ông Hoàng Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH 4P cho biết, trước những tín hiệu về lãi suất tăng trong thời gian gần đây, doanh nghiệp hết sức lo ngại, bởi việc nâng lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại với giá trị huy động lớn là tiền đề để tạo ra lãi suất bình quân trên 13 tháng tăng.
“Khi các doanh nghiệp vay đầu tư vào các tài sản cố định, đổi mới trang thiết bị hoàn toàn phải sử dụng vốn vay trung và dài hạn. Các ngân hàng sẽ sử dụng lãi suất tiết kiệm trung bình 13 tháng cộng với biên độ, khi lãi suất huy động tăng lên thì nhiều khả năng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng lên”, ông Trí lo lắng.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc tăng lãi suất huy động tiền gửi một số ngân hàng là dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế. Khi lãi suất tiền gửi tăng thì chắc chắn lãi suất cho vay cũng tăng theo làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và phát triển thì lãi suất ngân hàng phải ở mức thấp.
TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế phân tích: “Lạm phát năm 2015 chỉ có 0,63%, bình thường trên thế giới lạm phát cộng với 3% thì bằng lãi suất, tức là lãi suất của Việt Nam bây giờ vào khoảng 3,5%-4% là vừa phải. Bây giờ lãi suất của chúng ta là 8%, trong khi đó, lãi suất của Thái Lan là 3,6% thì làm sao chúng ta cạnh tranh được? Doanh nghiệp phải trả 1 giá quá lớn và ngay cả người tiêu dùng bây giờ muốn mua 1 căn nhà, 1 cái ô tô thì sẽ phải vay với mức lãi suất 9%, như vậy, cái giá phải trả rất lớn và đấy là điều chúng ta cần suy nghĩ”.
Nhằm ổn định thị trường và trấn an doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái quyết liệt tránh để xảy ra tình trạng lãi suất leo thang bằng việc ban hành văn bản chấn chỉnh việc thực hiện lãi suất huy động.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra ở thị trường huy động vốn trong nước thời gian gần đây thì có lẽ các doanh nghiệp mong chờ nhiều hơn nữa những động thái hiệu quả từ phía Ngân hàng Nhà nước. Điều này cần được thực hiện quyết liệt bởi nếu không, lãi suất cho vay sẽ được đà leo thang, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng cạnh tranh không chỉ của doanh nghiệp mà còn cả nền kinh tế./.