Sau khi tăng lãi suất vào thời điểm cuối năm 2015 và đầu năm 2016 (trước Tết âm lịch 2016), mới đây một số ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là cuộc đua ngắn hạn để thu hút vốn nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, cũng như đón đầu một số quy định sắp tới.

Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất

Mới đây, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV đều tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm. Trong đó, BIDV tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng, với tiền gửi kỳ hạn 13-18 tháng tăng thêm 0,4 điểm phần trăm lên 6,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 6,5%/năm

Trong khi đó, Vietcombank chủ yếu tăng các kỳ hạn ngắn từ 1-6 tháng thêm từ 0,2-0,5 điểm phần trăm, với lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 1, 2, 3 và 6 tháng lần lượt là 4,5%, 4,6%, 4,8%, và 5,2%/năm.

Các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn như Techcombank từ đầu năm 2016 đến nay đã bốn lần điều chỉnh lãi suất huy động. Trong đợt điều chỉnh gần đây nhất hôm 15-2, ngân hàng này chỉ tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm, lên 4,7%/năm. Tuy nhiên, nếu so với lãi suất áp dụng trong lần tăng đầu tiên trong năm nay, tức ngày 5-1-2016, lãi suất huy động của Techcombank hiện gần như tăng đều ở tất cả các kỳ hạn.

Ngoài ra, hiện một số ngân hàng cũng đang áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài lên đến 8%/năm, tuy nhiên để được hưởng lãi suất này khách hàng phải đáp ứng một số yêu cầu cao.

Mức lãi suất tiền gửi (lãi suất huy động) tại một số ngân hàng

Chẳng hạn như ngân hàng Eximbank đang áp dụng lãi suất 8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, để được hưởng lãi suất 8%/năm, khách hàng phải gửi số tiền từ 10 tỉ trở lên, và lãnh lãi cuối kỳ, không được rút trước hạn dưới 90 ngày, nếu lãnh lãi hàng tháng thì lãi suất chỉ còn 7,8%/năm.

Trong khi đó, vẫn có một số ngân hàng vừa điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất, như Maritime Bank từ ngày 1/3/2016 giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn 1-2 tháng từ 4,9%/năm xuống còn 4,5%/năm, trong khi tăng 0,1 điểm phần trăm cho tiền gửi kỳ hạn 6-8 tháng lên 5,7%/năm. Ngân hàng SCB hôm 25/2 cũng giảm nhẹ lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn.

Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho hay, một số ngân hàng gần đây có điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất, một phần nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn TPHCM, vốn huy động kỳ hạn 1-2 tháng chiếm đến 70% trong tổng huy động, trong khi dư nợ cho vay trung và dài chiếm đến 57,6% trong tổng dư nợ dín dụng tại TPHCM.

Mức lãi suất tại các kỳ hạn của một số ngân hàng hiện nay

Ngoài ra, theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đang được Ngân hàng Nhà nước công bố để lấy ý kiến, các ngân hàng thương mại được phép sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn với tỷ lệ tối đa là 40% thay vì 60% như hiện nay. Do đó, có thể chính việc này cũng khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn trung dài hạn nhiều hơn để đáp ứng tỷ lệ 40%, và vẫn có thể tiếp tục cho vay trung và dài hạn.

Người gửi ít lợi, kẻ vay thiệt thòi?

Theo bài viết trên VnExpress, để hưởng mức lãi suất tiền gửi cao, khách phải thuộc diện VIP, có số tiền hàng chục tỷ đồng, trong khi người đi vay có thể phải trả lãi cao hơn do ngân hàng chịu chi phí vốn đắt đỏ.

Mang số tiền tích cóp được khoảng 100 triệu đồng, ông Hoà - một cán bộ hưu trí tại quận Bình Tân, TP HCM đi gửi ngân hàng. Nhìn thấy biểu niêm yết lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 13 tháng là 8%, ông không đắn đo nhiều mà quyết định gửi luôn theo kỳ hạn này.

Tuy nhiên, khi gửi và nhận sổ tiết kiệm, ông được thông báo chỉ được hưởng 6,8%. Hỏi ra mới biết mức 8% theo niêm yết chỉ dành cho khách hàng VIP, tức có số tiền gửi vài chục tỷ đồng trở lên. "Như vậy thì thử hỏi có bao nhiêu người dân như tôi được hưởng mức này", ông Hoà bộc bạch.

Đây là câu chuyện xảy ra khá phổ biến với nhiều người có số tiền nhỏ gửi tiết kiệm. Bởi sau khi hồ hởi nhìn biểu lãi suất thì cũng đành "thất vọng" vì bản thân không thuộc đối tượng được hưởng mức lãi cao. Trong khi đó, khách VIP thì chỉ là số lượng khá ít ỏi.

Cuộc đua lãi suất được đánh giá là không mang lại nhiều lợi ích cho đa số người gửi tiền

Thực tế này được thể hiện rõ qua "cuộc đua" tăng lãi suất huy động gần đây của các ngân hàng. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn dài tại một số nhà băng như Eximbank, SeaBank, OCB... bắt đầu dâng cao từ những ngày cuối tháng 2, nhưng kèm theo đó là những điều kiện khá "ngặt nghèo". Như tại Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank), trên website của nhà băng này có niêm yết mức lãi suất tới 8% cho kỳ hạn 13 tháng, nhưng đối tượng được hưởng là khách hàng thân quen nhiều năm và gửi số tiền vài trăm tỷ đồng trở lên.

Hay như tại Eximbank, để được hưởng lãi suất 8%, khách phải gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 36 tháng. Ở Sacombank, với khách hàng gửi tiền từ 500 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng cũng được hưởng lãi tới 7,55% một năm, trong khi các kỳ hạn khác kể cả trên một năm chỉ hưởng lãi 6,5-6,8%. Ngân hàng Việt Á trả khách mức lãi 8,38% mỗi năm cho kỳ hạn 13 tháng với khoản tiền từ 100 tỷ đồng trở lên. Hiện Việt Á cũng là ngân hàng đang giữ ngôi vị quán quân về lãi suất huy động. OCB và nhiều ngân hàng khác cũng có chính sách tương tự.

Trước diễn biến này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất như vậy chủ yếu là trên danh nghĩa, còn thực tế thì đối tượng được hưởng là không nhiều. Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhìn nhận, các mức lãi suất này chỉ áp dụng cho kỳ hạn dài và đối tượng là khách VIP với số tiền gửi rất lớn (hàng chục tỷ đồng trở lên). Do vậy, lãi suất này sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến đa số người gửi tiền hiện nay.

BVSC đồng thời cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến quyết định tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn dài của các ngân hàng trên là nhằm củng cố nguồn vốn trung dài hạn, nhất là trong bối cảnh sửa đổi Thông tư 36 dự kiến tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn giảm từ 60% về 40%.

"Cuộc đua lãi suất huy động này xem ra người gửi không được hưởng lợi, nhưng lại làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng. Khi đó, người đi vay lại chịu thiệt thòi", một chuyên gia kinh tế nhìn nhận.

Hiện nay, các khoản cho vay trung và dài hạn, các ngân hàng thường áp dụng theo phương thức thả nổi lãi suất. Nghĩa là lãi suất được điều chỉnh theo từng thời kỳ, thay đổi theo biến động thị trường tài chính. Mức điều chỉnh và kỳ hạn điều chỉnh sẽ theo thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng.

Thông thường, kỳ điều chỉnh lãi suất là 3, 6 tháng hoặc một năm một lần.Mức điều chỉnh lãi suất thường được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lớn hơn hoặc bằng 12 tháng (tùy mỗi ngân hàng), cộng với biên độ nhất định, có thể là 2,3 hoặc 4%...

Như vậy, nếu các ngân hàng tìm cách đẩy lãi suất tiết kiệm từ 12 tháng trở lên có thể khiến cho lãi suất cho vay bị đẩy lên. "Đây thực ra là chiêu tăng lãi suất cho vay đối với khách hàng vay dài hạn có lãi suất sau thời gian ưu đãi ban đầu, điều chỉnh thành lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng biên độ lãi suất mà một số ngân hàng thường áp dụng", Trưởng phòng tín dụng của một ngân hàng cổ phần phía Nam chia sẻ.

Trao đổi với VnExpress, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, hiện nay mặt bằng lãi suất có xu hướng gia tăng, mặc dù chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân đi vay và để hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây, lãi suất cho vay khó có thể giảm thời gian tới.

Lưu ý khi gửi tiền

Trước khi gửi tiền ngân hàng bạn nên cân nhắc xem nhu cầu của mình sẽ phù hợp với việc gửi ngắn hạn hay dài hạn. Nếu bạn không chắc chắn về nhu cầu sử dụng của bản thân thì nên gửi ngắn hạn. Vì nếu bạn gửi dài hạn mà bạn rút tiền gấp khi chưa đến thời kỳ đáo hạn, bạn sẽ nhận lãi suất rất thấp hoặc không có lãi. Tuy nhiên, khi bạn sắp xếp được kế hoạch chi tiêu hợp lý và muốn gửi dài hạn trên một năm để có mức lãi suất tốt, đến thời hạn, bạn phải đến ngân hàng để làm thủ tục tất toán.

Trường hợp muốn gửi tiếp thì bạn cũng nên đến làm thủ tục đáo hạn. Điều này vừa giúp bạn có thể kiểm soát được số tiền gốc và lãi của mình sau mỗi kỳ hạn gửi, đồng thời có thể thương lượng lại với ngân hàng để hưởng mức lãi suất mới có lợi hơn, tránh trường hợp như của bà Lê Thị Bích Thuỷ (TP HCM) gửi tiết kiệm nhưng không đến rút, để kéo dài tới hơn 30 năm. Đến khi làm thủ tục tất toán chỉ nhận được cả gốc lẫn lãi 4.385 đồng do sự trượt giá vì lạm phát và Việt Nam trải qua các kỳ đổi tiền.

Hiện nay, loại tiết kiệm được các ngân hàng thiết kế rất nhiều kỳ hạn để người dân linh hoạt lựa chọn. Kỳ ngắn từ 1 đến dưới 12 tháng; dài trên 12 tháng). Có ngân hàng đang có những sản phẩm tiền gửi chỉ 1, 2, 3 tuần.

Sau khi quyết định gửi dài hạn hay ngắn hạn rồi, bạn nên tham khảo một vòng xem ngân hàng nào có mức lãi suất cao nhất mà vẫn đảm bảo các quyền phụ lợi khác.

Bạn nên chọn ngân hàng lớn, uy tín, phát triển ổn định, có bề dày lịch sử, có độ an toàn cao. Để biết được điều này, bạn có thể tham khảo các dữ liệu từ báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm.

Thêm vào đó, những ngân hàng có nhiều chi nhánh, mạng lưới hoặc có nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ để triển khai các sản phẩm gửi tiết kiệm online... cũng sẽ được coi là một sự lựa chọn thông minh vì các cuộc giao dịch của bạn sẽ thuận lợi hơn những ngân hàng khác.

Cân nhắc khi trả lãi

Ngoài ra, bạn tính toán kỹ các phương thức trả lãi mà ngân hàng áp dụng. Bạn có 2 cách chọn lãi suất: Lãi suất cố định và lãi suất thả nổi.

Lãi suất cố định sẽ được giữ nguyên trong suốt kỳ, lãi sẽ được trả cuối kỳ. Còn lãi suất thả nổi sẽ được điều chỉnh từng quý hoặc từng tháng và tùy theo từng ngân hàng. Bạn có thể chọn cách lãi sẽ được nhập vào vốn hay rút tiền mặt ở mỗi lần lãnh lãi. Thông thường thì gửi tiết kiệm lãnh lãi cuối kỳ cố mức lãi suất tốt hơn./.