Năm 2012 là một năm đầy thách thức cho việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như quản trị hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng thương mại (NHTM). Nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) linh hoạt và chủ động nhưng luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Lãi suất cần hạ thêm

Cùng chia sẻ về cách điều hành lãi suất năm 2013, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, để tiếp tục kích thích kinh tế, việc giảm lãi suất có thể tiếp tục được thực hiện và việc đó là cần thiết. Có thể mức giảm lãi suất này sẽ giảm xuống 1-2%, thậm chí lãi suất huy động của các NH thương mại chỉ ở mức 5-6% trong năm 2013 so với  2012 để kích thích đầu tư, cứu doanh nghiệp. Việc giảm lãi suất ngân hàng cùng với việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là những yếu tố quan trọng góp phần làm giảm giá sản phẩm. Giảm lãi suất vừa là yếu tố kích cầu vừa là yếu tố kích thích đầu tư cùng với giảm thuế giúp doanh nghiệp được thành lập và mở rộng kinh doanh, thu hút việc làm, làm tăng tổng cầu nền kinh tế và có khả năng làm tăng giá nhưng không lớn. Ở một khía cạnh khác, việc giảm sâu lãi suất có thể giảm lượng tiền thu hút vào ngân hàng nhưng lại làm gia tăng khá lớn lượng tiền trong lưu thông và gây ra lạm phát cục bộ và ngắn hạn.

Trong họp báo cuối năm của NHNN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Chúng ta đang đi rất đúng trong việc giảm dần cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng. Chúng ta phải đi bằng hai chân để phát triển là thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Nếu lập lại được trật tự này thì áp lực lên hệ thống ngân hàng rất nhẹ nhàng. Ngân hàng khi đó không phải chăm chăm đi đầu tư cho các dự án này kia mà chỉ đầu tư vào thị trường vốn thôi. Huy động vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế thì đầu tư vào giấy tờ có giá. Khi đó sẽ không cần có trần lãi suất và cũng có điều kiện để hạ lãi suất xuống thấp”.

Ngoài ra, để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng hiện nay, theo TS Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế-Tài chính), chính sách tiền tệ nới lỏng cần phải đóng vai trò chủ đạo. Hơn thế nữa, việc bơm tiền vào nền kinh tế phải được thực hiện theo kiểu của chính sách tài khóa. Bởi sự giảm sút lòng tin của các chủ thể kinh tế khiến cho cách bơm tiền truyền thống không còn nhiều tác dụng như trước. Lạm phát không phải là vấn đề lớn trong ngắn hạn khi mà vấn đề nợ xấu còn chưa được giải quyết, các dòng tín dụng còn chưa được khôi phục. Chính vì vậy, NHNN vẫn có cơ hội để hút bớt tiền về, kiềm chế lạm phát trong trung và dài hạn.

Nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ cũng như tăng cường sự lành mạnh, an toàn và hiệu quả của hệ thống ngân hàng trong năm 2013, các chuyên gia kinh tế của Học viện Ngân hàng đã khuyến nghị với NHNN Việt Nam và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan. Theo đó, các khuyến nghị hướng trọng tâm vào các vấn đề: CSTT với việc kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô; cách thức đảm bảo phát huy tối đa những hiệu quả của công cụ trần lãi suất cho vay; hướng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng và xử lý vấn đề sở hữu chéo...

Ổn định thị trường ngoại hối

Nhờ vào cách điều hành linh hoạt của NHNN, CSTT đã đạt được một số thành công đáng ghi nhận. Kết quả đầu tiên phải kể đến và là mong đợi của rất nhiều người là lạm phát được kiềm chế ở mức thấp; tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 11,5 tuần nhập khẩu; mặt bằng lãi suất cho vay giảm đáng kể và phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững; chính sách chống vàng hóa và đô la hóa thực hiện với lộ trình khoa học đã phần nào giúp tăng giá trị cũng như tăng niềm tin vào VND.

Theo ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), trong năm 2012, tỷ giá giao dịch của các NHTM không còn biểu hiện căng thẳng mà diễn biến linh hoạt theo cung cầu ngoại tệ và ở mức hợp lý hỗ trợ xuất khẩu. Doanh số giao dịch trên thị trường ngoại tệ tăng mạnh, thanh khoản ngoại tệ trên thị trường cải thiện rõ rệt so với những năm trước. Nhu cầu mua, bán ngoại tệ hợp lý và hợp pháp của các doanh nghiệp cũng như người dân được hệ thống TCTD đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất – kinh doanh. Tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân đã giảm đáng kể. Xu hướng dịch chuyển tiền gửi ngoại tệ sang tiền gửi tiền đồng liên tục được duy trì trong cả năm. Đến cuối năm 2012, tiền gửi ngoại tệ của dân cư giảm hơn 13% so với cuối năm 2011 trong khi tiền gửi bằng tiền đồng của dân cư tăng 36%. Tình trạng đô la hóa được đẩy lùi một bước. 

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhiều khuyến cáo cho việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm qua. TS Nguyễn Ngọc Tuyến – Viện trưởng – Viện Kinh tế Tài chính cho rằng: Tỷ giá gần như cố định trong năm đã có tác động tích cực tới kiềm chế lạm phát, song về dài hạn chắc chắn là sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế. Trước hết, tỷ giá cố định trong thời gian dài sẽ làm cho đồng Việt Nam lên giá và không tốt cho khuyến khích xuất khẩu. Mặt khác, khi tỷ giá cố định trong khi lãi suất VND luôn ở mức cao hơn nhiều so với lãi suất ngoại tệ thì sẽ tạo ra chênh lệch lớn về lãi suất, tạo điều kiện và khuyến khích hoạt động kinh doanh ngoại tệ hoặc chuyển vốn không phục vụ cho mục tiêu đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, gây rủi ro, thất thoát cho nền kinh tế.

Đối với hoạt động của hệ thống NHTM, nếu chủ điểm năm 2011 là “rủi ro thanh khoản”, thì năm 2012 “nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng” trở thành vấn đề thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Nợ xấu tích tụ từ nhiều năm trước nhưng bộc lộ rõ nét trong năm 2012 cả về con số tương đối và tuyệt đối. Bên cạnh đó, cơ cấu nợ xấu cho thấy trách nhiệm trong xử lý nợ xấu không phải chỉ từ phía ngành Ngân hàng.

Bên cạnh sự quan ngại trong đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh của từng NHTM, tăng trưởng tín dụng thấp, phải trích dự phòng rủi ro cao cũng như “thiếu may mắn” trong các hoạt động phi tín dụng (đặc biệt là các hoạt động liên quan đến vàng) có thể coi như những nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận của hệ thống NHTM năm 2012 sụt giảm mạnh so với năm 2011. Nhiều ngân hàng không thể đạt chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch đề ra.

Tăng trưởng tín dụng tuy giảm về lượng nhưng có sự thay đổi rõ nét về chất (năm 2009 -2010 tăng trưởng tín dụng lần lượt là 37,53% và 31,19% thì tăng trưởng GDP tương ứng là 5,3% và 6,8%. Tuy nhiên, năm 2011- 2012, tăng trưởng tín dụng đạt 12% và 8% thì GDP tăng trưởng 5,89% và 5,14%. Nhiều minh chứng chỉ ra rằng nguyên nhân chủ yếu của thay đổi trên do đồng vốn tín dụng đã thực sự được đưa vào khu vực sản xuất)./.