“Bên cạnh những dự báo lạc quan, rất cần nhìn nhận một thực tế là khó khăn, thách thức đang ngày càng lớn khi đại dịch Covid-19 chưa kết thúc, trong bối cảnh bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động tạo ra nhiều thay đổi về cơ hội và thách thức phát triển kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam”. Đây là vấn đề được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 12/5 tại Hà Nội.
Chia sẻ bức tranh dự báo lạm phát Việt Nam giai đoạn 2022-2023, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, kinh tế Việt Nam trong quý đầu năm 2022 đã có sự khởi sắc và lạm phát 4 tháng đầu năm 2022 trong tầm kiểm soát là điều đáng ghi nhận.
Trong đó, tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 ở mức 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá xăng dầu tăng cao và giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng, do sức mua của người tiêu dùng yếu nên cộng đồng doanh nghiệp (DN) chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để không tăng giá bán sản phẩm cũng là yếu tố góp phần kiểm soát lạm phát 4 tháng đầu năm nay.
“CPI được kiểm soát là do Chính phủ chủ động chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách được ban hành kịp thời, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng…”, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết.
Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Bích Lâm, với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, đặt trong bối cảnh năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, lạm phát của nước ta có thể vượt qua ngưỡng 5% trong năm này.
Chia sẻ đánh giá về kinh tế Việt Nam, ông Francois Painchaud, Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam và Lào cho rằng, Việt Nam đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính. Các chính sách kinh tế vĩ mô đã giúp giảm bớt tác động của Covid, đặc biệt, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ được thực hiện một cách thích hợp và kịp thời để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng chung.
“Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế Việt Nam diễn ra không đồng đều và đang có một số rủi ro khi triển vọng tăng trưởng đang chậm lại và tốc độ lạm phát có phần gia tăng. Bên cạnh đó là các rủi ro khác như việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu DN trong nước…”, ông Francois Painchaud chỉ ra.
Đi qua 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý IV/2021. Số DN thành lập mới cũng như dòng vốn đầu tư trực FDI tại Việt Nam 4 tháng đều tăng đang tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, công tác dự báo về triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như kinh tế ngành cần được cập nhật dựa trên những phân tích khoa học, chuyên sâu và đa chiều. “Đây là những nỗ lực rất cần thiết, nhằm góp sức cho công tác hoạch định chính sách cũng như hoạt động của các nhà đầu tư, các DN, để cùng hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước như các Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra. Với tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023…”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương tin tưởng.
Trong bối cảnh mới, để thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nếu so sánh quốc tế và khu vực, Chương trình của Chính phủ quy mô tương đối lớn, phù hợp tình hình - hoàn cảnh trong nước với yêu cầu kiểm soát rủi ro vĩ mô.
Tuy nhiên theo ông Hiếu, Chương trình nhất thiết phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính. Thứ nhất, phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và DN. Thứ hai, hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực là những yêu cầu quan trọng để giúp đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Thứ ba, công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả để hoàn thành mục tiêu của chương trình.
“Để Chương trình thực sự là “phao cứu sinh” phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và DN. Bản thân mỗi DN trước hết tự thay đổi để thích ứng với thay đổi trong bối cảnh mới. DN cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới”, ông Phan Đức Hiếu chỉ rõ.
Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh hơn, với tăng trưởng dự kiến là 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023, nhưng lạm phát dự kiến sẽ tăng trong ngắn hạn, ông Francois Painchaud kiến nghị, chính sách tài khóa của Việt Nam nên đi đầu trong việc hỗ trợ chính sách, đặc biệt nếu rủi ro suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực. Đồng thời, Việt Nam cần hiện đại hóa chính sách tiền tệ và cần chấm dứt quy định cho phép cơ cấu nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời với việc tăng cường giám sát tài chính./.