Từ thực trạng trên nóng dưới lạnh
Tháng 11/2019 đoàn thanh tra EC đến kiểm tra thực tế công tác khắc phục tình trạng vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài của tỉnh Kiên Giang để có thể kiến nghị gỡ “thẻ vàng” và chỉ ra 6 nội dung tỉnh cần quan tâm khắc phục ngay. Sau đó, Kiên Giang đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, đưa ra nhiều chỉ đạo, nêu cao quyết tâm nhưng kết quả chưa tích cực.
Theo kết luận thanh tra công vụ tháng 5/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang, các cơ quan chức năng và các địa phương đã buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu sai phạm trong điều hành, chỉ khắc phục được 2 trong số 6 nội dung mà đoàn thanh tra EC khuyến nghị.
Trong đó Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thực hiện chưa nghiêm công tác xử lý vi phạm, không ra quyết định xử phạt cả trăm trường hợp vi phạm, nhiều trường hợp để kéo dài, chậm xử lý nên đã hết thời hiệu xử phạt, vẫn cho các tàu không đủ điều kiện như chưa gắn thiết bị hành trình, nằm trong danh sách IUU, hết hạn giấy phép khai thác thuỷ sản… xuất nhập bến. Chi cục thuỷ sản, UBND TP Rạch Giá, Châu Thành buông lỏng quản lý về đăng ký, đăng kiểm, lắp đặt thiết bị hành trình, buông lỏng việc xử phạt các tàu cá vi phạm…
Kết quả bước đầu
Ngày 13/7/2020 Tỉnh ủy Kiên Giang ban hành Nghị quyết số 34 về tăng cường các giải pháp quản lý ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái pháp luật. Từ đó, UBND tỉnh và UBND các huyện thị và các sở ban ngành đã xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết để triển khai thực hiện.
Tính đến hết tháng 9 vừa qua, Kiên Giang có 9.888 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên, trong đó có 3.985 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Đến nay toàn tỉnh Kiên Giang đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.629 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, đạt hơn 99% so với tổng số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên của tỉnh thuộc diện phải lắp thiết bị.
Qua theo dõi hệ thống giám sát đã thực hiện 423 cuộc gọi với tàu cá vượt ranh giới trên biển và tất cả các tàu này đều quay về vùng biển Việt Nam. Các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá, qua đó đã phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Kết hợp công tác tuần tra thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng biên phòng, Cảnh sát biển 4 kiểm soát tuyến biên giới trên biển trong phòng chống dịch bệnh.
Qua công tác triển khai, tuyên truyền nhiều chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân trong tỉnh thực hiện đầy đủ các điều kiện, thủ tục trước khi tàu cá xuất bến; ký cam kết không vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU), thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng của tỉnh, của Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh, các huyện, thành phố tăng cường sự phối hợp quản lý, tuần tra, kiểm soát, đấu tranh, phòng ngừa và xử lý vi phạm...
Kết quả đến nay cơ bản đã giảm thiểu được tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm IUU. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp tàu chưa thực hiện nghiêm việc khai thác hải sản trái phép. Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá cho rằng, cần làm rõ vai trò của thuyền trưởng và có biện pháp xử lý mạnh hơn nữa.
“Hiện nay theo chủ trương khi tàu vi phạm thì phạt chủ tàu, tịch thu tàu của chủ tàu, các vi phạm khác đều là chủ tàu, còn riêng thuyền trưởng là người trực tiếp vi phạm thì chỉ có chế tài bằng thuyền trưởng. Bằng thuyền trưởng hôm nay mất thì vài hôm lại tạo điều kiện mượn bằng của người khác vẫn tiếp tục đi khai thác được. Các ban ngành xem có giải pháp răn đe cho đúng mức đối với thuyền trưởng” - ông Trương Văn Ngữ nói.
Kiên Giang sẽ quyết liệt hơn nữa
Qua đánh giá những tồn tại, hạn chế trong suốt thời gian qua, UBND tỉnh Kiên Giang xác định mấu chốt là công tác quản lý nhà nước cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, một số cán bộ, cơ quan thiếu tinh thần trách nhiệm, gương mẫu. Vì vậy UBND tỉnh Kiên Giang đã luân chuyển lãnh đạo chi cục thuỷ sản, thành lập ngay đường dây nóng đến người lãnh đạo cao nhất để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; Khẩn trương thành lập Chi cục kiểm ngư để đảm bảo công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phối hợp tìm kiếm cứu nạn và chống khai thác IUU trong thời gian tới; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và địa phương.
Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nêu quyết tâm: “Từ đây đến cuối năm cũng mong rằng hội nghề cá rồi hội thuỷ sản, doanh nghiệp và chủ tàu nên cố gắng chấp hành tốt chính sách pháp luật của đảng, nhà nước, đặc biệt là cố gắng làm sao không vi phạm khai thác đánh bắt vùng biển nước ngoài nữa. Đề nghị các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật, vi phạm là phải xử lý đến nơi đến chốn”.
Ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, rà soát, đánh giá lại các kế hoạch phối hợp của các lực lượng, địa phương, Kiên Giang cho dừng ngay việc đóng mới và xử lý dứt điểm các trường hợp đã có văn bản chấp thuận, từng bước hạn chế cải hoán tàu cá để khai thác thuỷ sản nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản bền vững. Công an Tỉnh sẽ tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, khởi tố, xử lý dứt điểm các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Đặc biệt Bộ đội biên phòng tiếp tục tiến hành điều tra, xác minh xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ và cá nhân có hành vi để tàu cá xuất bến mà không đảm bảo trang thiết bị giám sát hành trình.
Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Kiên Giang cho biết: “Bộ đội biên phòng Kiên Giang tiếp tục tiến hành nắm chắc tình hình hoạt động của tàu thuyền ngư dân đánh bắt trên biển. Hai là tăng cường phối hợp các lực lượng như Hải quân, Cảnh sát biển, kiểm ngư để tăng cường kiểm soát tất cả phương tiện hoạt động trên biển. Mặt khác chúng tôi chỉ đạo quyết liệt các trạm kiểm soát biên phòng kiểm tra chặt chẽ tất cả phương tiện ra vào hoạt động trên biển, Những phương tiện nào đủ điều kiện thì chúng tôi tạo điều kiện tối đa để ngư dân đi làm ăn. Còn những phương tiện nào không đủ các thủ tục pháp lý thì chúng tôi cương quyết không cho ra biển”.
Cùng với những biện pháp trước mắt, về lâu dài, địa phương sẽ triển khai đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững; thực hiện dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang, sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thuỷ sản để phát triển một cách bền vững./.