Hôm nay (7/11), đoàn thanh tra của Uỷ ban Châu Âu (EC) sẽ đến kiểm tra tại tỉnh Kiên Giang về việc khắc phục những cảnh báo trong công tác khai thác hải sản bất hợp pháp. Trước đó, ngày 23/10/2017, Uỷ ban Châu Âu đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam, gọi tắt là IUU và đưa ra các khuyến nghị chính thức để Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhằm cải thiện công tác quản lý tàu cá. 

ktra_the_vangvov__wfld.jpg
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác quản lý tàu cá, lưu trữ hồ sơ ở BQL Cảng  cá, bến cá tỉnh.

Đến tháng 5/2018, khi đi kiểm tra thực tế tại tỉnh Kiên Giang, đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thuỷ sản của EC tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị để Việt Nam cần thực hiện chống khai thác IUU gồm: khung pháp lý, hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác. Ngay sau khi Uỷ ban Châu Âu chỉ ra những bất cập mà địa phương gặp phải, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chấn chỉnh, khắc phục ngay những sai sót, hạn chế. Đến thời điểm này, nhận thức của ngư dân đã được tăng lên, hệ thống luật pháp, chế tài cũng dần hoàn thiện và đặc biệt, mọi công việc liên quan đến khai thác, truy xuất nguồn gốc cũng đã được thực hiện đúng quy định, nhịp nhàng. 

Tuyên truyền luật thuỷ sản cho ngư dân.

Từ đầu năm nay, Luật thuỷ sản 2019, Nghị định 26, Nghị định 42 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có hiệu lực góp phần rất lớn giúp các địa phương ven biển tăng cường công tác quản lý, trong đó có Kiên Giang.

Ngay khi Luật thuỷ sản có hiệu lực, Kiên Giang tăng cường việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, kết nối với trạm bờ để quản lý các phương tiện ra khơi. Đến cuối tháng 9 năm nay toàn tỉnh đã có 2.932 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát, riêng tàu cá có chiều dài 24m trở lên đã lắp đặt đạt 92,5%.

Hàng tháng Ban quản lý cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đều lập danh sách và tổng hợp danh sách tàu cá đã nộp nhật ký khai thác, nhật ký thu mua chuyển tải và báo cáo khai thác thủy sản để nộp về Chi cục Thủy sản theo đúng quy định. Bên cạnh đó, tất cả các tàu thuyền trước khi vào cập cảng bắt buộc phải thông báo cho Ban quản lý cảng cá trước một giờ để nắm thông tin,  kiểm soát sản lượng, chủng loại.

Tàu cá cập cảng cá Tắc Cậu.

Ông Đỗ Xuân Vinh, Giám đốc Cảng cá Bến Cá tỉnh Kiên Giang cho biết: “Khi nhận được thông tin, anh em trong ca trực sẽ đối chiếu danh sách tàu khai thác bất hợp pháp trên trang web của Tổng cục Thủy sản. Nếu tàu nằm trong danh sách khai thác bất hợp pháp, Cảng cá sẽ không cho bốc dỡ hàng hóa, đồng thời thông báo cho tổ kiểm tra kiểm soát tại cảng xử lý theo quy định”.

Đối với những tàu không nằm trong danh sách thì bố trí cho bốc dỡ, bố trí nhân viên xuống giám sát sản lượng, chủng loại theo hướng dẫn của tổng cục. Sau khi bốc dỡ, nếu doanh nghiệp, chủ tàu đề nghị cấp ghi nhận bốc dỡ thì sẽ tiếp tục đối chiếu nhật ký khai thác và giám sát hành trình để cấp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng tăng cường giám sát các hoạt động của tàu cá khi đi đánh bắt trên biển đến khi cập cảng. Từ đầu năm, Chi cục thủy sản Kiên Giang tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, tuyên truyền và xử lý nghiêm các tàu vi phạm. Trong quá trình tuần tra, kiểm tra kiểm soát đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính 54 phương tiện, số tiền xử phạt hơn 1 tỷ đồng với các hành vi vi phạm như: Khai thác sai vùng; thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định; không có sổ nhật ký khai thác thủy sản; tàng trữ ngư cụ cấm…

Bốc dỡ hàng tại Cảng cá Tắc Cậu.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nên ngư dân ý thức rất rõ trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ các quy định khi đi khai thác. 

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho rằng: việc thực hiện công tác đăng ký đăng kiểm, cấp phép, chứng nhận  nguồn gốc thuỷ sản đã có nhiều nỗ lực, hồ sơ lưu trữ cũng cơ bản theo khuyến nghị của đoàn thanh tra EC.

Ông Thao nói: "Chúng tôi đánh giá cao đối với Chi cục Thủy sản có nỗ lực từ trang thiết bị, màn hình, sử dụng phần mềm, cố gắng kết nối các thiết bị giám sát hành trình buộc phải lắp đặt thết bị hành trình trước 1/7 chiếm tỷ lệ cao. Tàu từ từ 15 – 24m mặc dù chưa tới thời điểm cuối cùng nhưng cũng đạt hơn 80% thì đây là nỗ lực".

Để ngành thuỷ sản Kiên Giang phát triển bền vững, UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh; ban hành tiêu chí đặc thù về đóng mới, cải hoán, thuê mua tàu cá trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng triển khai thực hiện Dự án “Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang; đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang” làm cơ sở để sắp xếp lại cơ cấu các nghề khai thác của tỉnh cho phù hợp và công bố hạn ngạch giấy phép khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh theo quy định của Luật Thủy sản ./.