Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho biết, tình hình xuất khẩu gạo năm nay thuận lợi hơn mọi năm do năng suất tăng, vốn dành cho các doanh nghiệp thu mua hàng không thiếu, đơn hàng không đủ xuất.
Tuy nhiên đến thời điểm này, tỉnh Kiên Giang mới xuất khẩu được gần 436.000 tấn gạo, chưa đạt 40% kế hoạch năm. Nguyên nhân do các doanh nghiệp không dự báo được biến động của thị trường nên đã bị động trong việc xuất khẩu gạo.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại tỉnh Kiên Giang, thông lệ hằng năm, giá lúa vụ hè thu rất thấp nên các doanh nghiệp tranh thủ ký hợp đồng xuất khẩu để mua trữ lúa hè thu bán kiếm lãi. Nhưng năm nay giá lúa không giảm mà lại tăng, thậm chí tăng cao và kéo dài, vượt ngoài khả năng dự đoán của doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lao đao.
Ông Nguyễn Thanh Tung, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV du lịch - thương mại Kiên Giang cho rằng, giá lúa trong nước tăng vượt mức dự đoán của doanh nghiệp nên hầu hết các hợp đồng xuất khẩu đã ký trước đó hầu như không có lời.
“Giá lúa trong nước năm nay tăng không theo quy luật nào khi trong vụ Hè Thu giá lúa tăng rất cao và giá tăng rồi lại không giảm xuống, cho tới thời điểm này giá lúa vẫn giữ ở mức cao khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Từ đầu năm, doanh nghiệp muốn có những hợp đồng xuất khẩu đạt kế hoạch thì phải ký hợp đồng trước. Theo giá hợp đồng từ đầu năm, nếu giá lúa trong nước tăng lên, doanh nghiệp nào càng xuất khẩu nhiều thì hiệu quả càng hạn chế”, ông Tung cho hay.
Theo số liệu của ngành chuyên môn, với sản lượng lúa sản xuất trong năm so với báo cáo xuất khẩu và tiêu thụ nội địa của doanh nghiệp, ước sản lượng lúa hiện còn trong tỉnh khoảng 3 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo thống kê đến thời điểm này lượng lúa hàng hóa tồn kho theo các doanh nghiệp báo cáo không nhiều, chỉ khoảng 75.000 tấn gạo, tương đương 150 ngàn tấn lúa, lượng lúa tồn trong dân cũng không còn.
Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay các doanh nghiệp chỉ báo cáo sản lượng gạo xuất đi nước ngoài, còn xuất nội địa và xuất bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc thì lại không báo cáo nên tỉnh không nắm được tình hình này.
“Đến nay, các doanh nghiệp cung ứng gạo trong nước không báo cáo với Sở Công Thương. Gần đây nhất có 7 doanh nghiệp báo cáo đầu tháng 8 tổng lượng tồn kho của 7 doanh nghiệp chỉ có 75.000 tấn gạo. Những doanh nghiệp vay ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng nhưng chỉ có 22.000 tấn gạo thì đây là một điều không bình thường”, ông Gành đặt vấn đề.
Tại cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Lê Khắc Ghi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, sản lượng xuất khẩu gạo đạt thấp là do các doanh nghiệp chủ quan, không dự báo được biến động của thị trường nên đã bị động trong kinh doanh.
Ông Ghi cũng khẳng định, lượng hàng xuất qua đường tiểu ngạch tương đối lớn và đề nghị các doanh nghiệp phải báo cáo lượng tiêu thụ kể cả xuất qua chính ngạch, tiểu ngạch và tiêu thụ nội địa; các doanh nghiệp cần theo dõi sát hơn nữa tình hình diễn biến của thế giới và trong nước để có kế hoạch thu mua thích hợp.
“Tôi cho rằng ngân hàng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vượt xa định mức, vượt xa với tài sản kể cả hàng hóa thế chấp trong tương lai. Cho nên phải quan tâm đến chuyện sử dụng vốn như thế nào cho có hiệu quả, đúng mục đích. Do đó phải rà soát lại, phải có sắp xếp lại và có lộ trình thoái vốn trở lại. Hệ thống thu mua của mình chưa tốt khi quá chú tâm vào thị trường truyền thống khi năm nay có những điểm mới như thị trường tiểu ngạch Trung Quốc và thị trường nội địa. Với tình hình hiện nay, đề nghị các doanh nghiệp chủ động cơ cấu lại thị trường và quan tâm thị trường nội địa”, ông Lê Khắc Ghi nhấn mạnh.
Năm nay, Kiên Giang đề ra kế hoạch xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo với kim ngạch thu về 440 triệu USD. Trước những khó khăn trên nên từ nay đến cuối năm, Kiên Giang chỉ phấn đấu xuất hơn 192.000 tấn gạo, đạt hơn 81 triệu USD, chỉ bằng hơn 61% so với kề hoạch đề ra.
Nếu như những khó khăn đã đưa ra không được quan tâm tháo gỡ, giải quyết tốt thì ngay cả mục tiêu này tỉnh Kiên Giang cũng khó đạt được. Từ thực tế xuất khẩu gạo gặp khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay ở Kiên Giang cho thấy, công tác dự báo thị trường, chiến lược xuất khẩu nếu không được quan tâm đúng mức, đầu ra cho hạt gạo sẽ gặp khó khăn và ngay cả doanh nghiệp cũng sẽ rơi vào thế bế tắc./.