Hội nghị thường niên mùa Xuân do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại thủ đô Washington, Mỹ, từ ngày 17-19/4 với sự tham dự của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng 188 quốc gia trên thế giới.

Chương trình nghị sự tập trung vào một số chủ đề nóng như kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, khủng hoảng nợ tại Hy Lạp và dịch bệnh Ebola. Hội nghị cũng tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới với 2 trụ cốt chính là tăng trưởng và việc làm.

Các đại biểu ưu tiên thảo luận về tỷ lệ thất nghiệp cao tại các nền kinh tế phát triển cũng như sự chững lại trong tăng trưởng ở những nền kinh tế mới nổi, đồng thời đề xuất các biện pháp để thúc đẩy sản xuất và kích cầu tiêu thụ.

IMF không cho Hy Lạp hoãn trả nợ

Phát biểu tại phiên họp trù bị cho Hội nghị mùa Xuân ngày 16/4, Tổng Giám đốc IMF Christina Lagarde cho biết IMF không đồng ý cho Hy Lạp trì hoãn trả khoản nợ khoảng 2,5 tỷ euro (phải trả trong tháng 5 tới).

giam_doc_imf_mkol.jpgTổng Giám đốc IMF không đồng ý cho Hy Lạp hoãn trả nợ
Đại diện Ủy ban châu Âu (EC) cũng tuyên bố không hài lòng với những tiến bộ chậm chạp trong việc thanh toán nợ từ phía Hy Lạp. 

Tổng số tiền cứu trợ quốc tế cho Hy Lạp đến nay đã lên tới 240 tỷ euro. Để tránh vỡ nợ, Hy Lạp phải trả lại cho IMF khoảng 770 triệu euro vào ngày 12/5 tới đây. Hồi đầu tháng 4, Hy Lạp đã phải mượn khoản tiền của các quỹ hưu trí để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho IMF và tránh tình trạng mất khả năng thanh toán.

Hiện tại, Hy Lạp đang tiếp tục phải chịu thêm những áp lực mới từ các chủ nợ quốc tế. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Gianis Varoufakis cho rằng, những đòi hỏi của các chủ nợ là quá khắc nghiệt và Hy Lạp sẽ thận trọng để không mắc phải những sai lầm từng gặp phải trong quá khứ.

Nguy cơ giảm tốc trong tăng trưởng

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh báo, thế giới đang có nguy cơ chìm trong giai đoạn mới - tăng trưởng chậm, dẫn đến cuộc sống của người dân không được cải thiện đáng kể.

Bà cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng không đồng đều giữa các khu vực đã dẫn tới tình trạng tăng trưởng chênh lệch giữa các nền kinh tế thế giới. 

Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của IMF cho thấy, mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2015 giảm xuống còn 3,5%. Trong khi đó, tăng trưởng năm 2016 cũng chỉ được dự báo nhích thêm một chút, lên mức 3.8%. Báo cáo trên cho rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện, song con đường phục hồi kinh tế tại các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu sẽ vẫn gập ghềnh.

Chủ tịch WB Jim Yong Kim nhận định, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang đối mặt với biến động tài chính, nhất là sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ và có thể tăng lãi suất trong năm nay.

Ông Kim cũng sẽ tập trung vào vấn đề đói nghèo và có kế hoạch huy động tài chính để hỗ trợ dài hạn cho ba quốc gia Tây Phi bị dịch bệnh Ebola tàn phá, đặc biệt trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Đề cập đến chính sách tài khóa, các đại biểu tại Hội nghị cho rằng thời kỳ khủng hoảng nhất đã qua, vì thế cần nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, ưu tiên các mục tiêu phát triển bền vững, và hỗ trợ cải cách để thúc đẩy tăng trưởng.

Các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về các nguy cơ gây ra bất ổn kinh tế như sự biến động liên tục của các yếu tố then chốt như tỷ giá USD, giá dầu, và giá cả các mặt hàng tiêu dùng./.