Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới IMF công bố ngày 14/4 cho thấy, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi đầu năm, nhưng cao hơn 0,1% so với tốc độ tăng trưởng của năm 2014. Tổ chức này cũng dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,8% trong năm 2016.

IMF nhận định, các nền kinh tế mới nổi đang vào năm thứ sáu liên tiếp tăng trưởng chậm lại, dẫn đầu là sự giảm tốc của Trung Quốc, suy thoái tại Nga và Brazil. Kinh tế Châu Âu và Nhật Bản sẽ phục hồi, trong khi kinh tế Mỹ tăng chậm lại do sức ép đồng USD tăng giá, kìm hãm xuất khẩu.

trien_vong_kinh_te_pfam.jpgIMF dự báo kinh tế Trung Quốc giảm tốc, Nhật phục hồi, Nga suy thoái
Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống 3,1% từ mức 3,6% trước đó, nhưng cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015 và 2016.

Nền kinh tế của khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) dự báo sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2015 và 1,6% trong năm 2016, cao hơn so với mức 1,2% và 1,4% dự báo hồi tháng 1.

Nhật Bản được cho là sẽ tăng trưởng 1% trong năm nay và 1,2% trong năm tới, cao hơn nhiều so với con số dự báo trước đó là 0,6% và 0,8%.

Đối với các nền kinh tế lớn mới nổi, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng Trung Quốc ở mức 6,8% năm 2015 và 6,3% năm 2016, thấp hơn nhiều so với mức 7,4% của năm 2014. Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,5% trong cả năm nay và năm 2016, vượt tốc độ của Trung Quốc, nhờ tác động tích cực từ việc giá dầu giảm và công cuộc cải cách.

IMF dự báo kinh tế Nga sẽ suy giảm 3,8% trong năm nay do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây và do giá dầu giảm.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard, sự già hóa dân số và năng suất giảm cũng là một trong những nhân tố khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại./.