Để Chương trình bán hàng bình ổn giá ngày càng có hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra và tạo được sự đồng thuận trong xã hội; đồng thời, đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá phối hợp chỉ đạo triển khai một số nội dung.

Theo đó, các đơn vị liên quan thường xuyên nắm chắc tình hình thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để lựa chọn đưa vào Chương trình các mặt hàng thiết thực phục vụ ổn định đời sống nhân dân ở địa phương, trong đó chú trọng ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước;

Thường xuyên kiểm tra, giám sát về giá cả và chất lượng hàng hóa tham gia Chương trình theo đúng cam kết; đồng thời, có cơ chế điều chỉnh giá kịp thời khi giá thị trường có biến động, tránh để xảy ra hiện tượng giá bán hàng bình ổn cao hơn giá thị trường…

Chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu của Chương trình và quy định của pháp luật; chống việc lợi dụng để thực hiện hành vi kinh doanh kiếm lời bất chính; đồng thời, xử phạt nghiêm và công bố công khai các hành vi vi phạm; có hình thức đánh giá, khen thưởng phù hợp đối với các doanh nghiệp tích cực tham gia Chương trình;

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết đánh giá Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá của Chính phủ ngày 16/6/2012 và theo phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây cho thấy, Chương trình vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục và chưa hoàn toàn tạo được sự đồng thuận trong xã hội; đặc biệt, nhiều thông tin phản ảnh về việc có lúc, có nơi giá bán hàng bình ổn chưa thực sự đảm bảo thấp hơn giá thị trường như cam kết, thậm chí còn cao hơn giá thị trường…/.