Trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 29/5 về thuế TNDN, nhiều đại biểu đánh giá việc áp dụng thuế suất phổ thông và lộ trình giảm từ 25% xuống 22% là hợp lý. Lộ trình giảm thuế suất phù hợp với chiến lược cải cách thuế, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích lũy vốn hoạt động sản xuất nâng cao tính cạnh tranh. Tuy nhiên, xung quanh dự thảo luật sửa đổi Thuế TNDN cũng còn nhiều nội dung các đại biểu tranh luận.
Cần bỏ khống chế chi phí quảng cáo
Đại biểu Mai Hữu Tín (đoàn Bình Dương) cho rằng, với tỷ lệ khống chế cho chi phí quảng cáo và khuyến mại, việc tăng mức khống chế từ 10 lên 15% theo dự thảo là một bước tiến sau rất nhiều than phiền của doanh nghiệp từ khi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ra đời.
Tuy nhiên, đại biểu Hữu Tín không đồng tình với quan điểm cho rằng, việc bỏ tỷ lệ khống chế sẽ làm giảm nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách. Theo lập luận của đại biểu, Doanh nghiệp buộc phải chi các khoản này để tồn tại, để cạnh tranh được, để tăng thị phần và để gia tăng lợi nhuận của chính họ. Họ không có lý do gì để chi tiền nhiều hơn nhằm giảm lợi nhuận của họ và dẫn đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Thực tế, những doanh nghiệp trong một số ít ngành hàng mới cần chi ở mức cao, trong khi đại đa số doanh nghiệp không cần chi nhiều.
“Đặt ra giới hạn tỷ lệ chi trong khi hầu hết các nước không áp dụng theo tôi không phải là một cách làm hay mà còn tự trói tay các doanh nghiệp của chúng ta trong cạnh tranh thay vì hỗ trợ cho họ. Tôi đề nghị chúng ta bỏ tỷ lệ khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại ngay trong lần sửa đổi này” – đại biểu Hữu Tín đề nghị.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) cho rằng, việc quy định khống chế tỷ lệ một mức như dự án luật là gây bất lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì quy mô nhỏ nên với tỷ lệ chi tối đa dù có lên 15% thì tổng chi tuyệt đối của họ sẽ nhỏ, rất khó để doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng thương hiệu. Vì vậy, để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, đại biểu Trần Văn Tấn đề nghị dự án luật quy định theo hướng mức khống chế được trừ không quá 15% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp, đồng thời đề nghị bổ sung vào dự án luật quy định về lộ trình tiến tới bỏ mức khống chế nêu trên để phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cũng đề nghị nhà nước cần có mức tính trừ chi phí quảng cáo để khuyến khích sự minh bạch trong kinh doanh của doanh nghiệp. Một mặt những chi phí không công khai, không đúng mục đích quảng cáo sẽ không được coi là chi phí hợp lệ và không được tính trừ. Mặt khác cho phép tăng mức khấu trừ một số khoản chi phí hợp lệ như marketting, triển lãm hay xúc tiến thương mại ra nước ngoài được phê duyệt quà tặng cho chức công và nhà nước, các sự kiện và chương trình tổ chức công. Những đối tượng thụ hưởng được cấp phép và đối tượng chính sách khác.
Có nên ưu tiên cho các KCN?
Bày tỏ quan điểm về việc ưu đãi thuế cho DN đầu tư vào KCN, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đề nghị không bổ sung quy định ưu đãi đối với khu công nghiệp. Theo đại biểu, trước thời điểm ngày 01/01/2009, chính sách ưu đãi đối với khu công nghiệp đã được áp dụng. Qua quá trình thực hiện cho thấy, tình trạng ưu đãi tràn lan thiếu trọng tâm, trọng điểm làm giảm hiệu quả của chính sách thu hút đầu tư vào phát triển vùng, miền có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn. Nên trong lần sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, chính sách ưu đãi này đã được bãi bỏ trên cơ sở xem xét, cân nhắc thận trọng.
Bên cạnh đó, đại biểu Kim Bé cũng đề nghị không ưu đãi đối với hoạt động đầu tư mở rộng vì tương tự như ưu đãi đối với khu công nghiệp, chính sách ưu đãi đối với đầu tư mở rộng đã được áp dụng nhưng qua tổ chức thực hiện đã phát sinh nhiều vướng mắc bất hợp lý. Vì vậy, tại lần sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, Chính phủ đã đề nghị không tiếp tục áp dụng chính sách này vào luật và luật hiện hành đã bãi bỏ đối với đấu tư mở rộng.
Lý do nữa được đại biểu Kim Bé nêu ra là, thực tiễn cho thấy việc hạch toán bóc tách xác định riêng thu nhập từ đầu tư mở rộng với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của cả dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp để tính ưu đãi cho phần đầu tư mở rộng là rất khó khăn, phức tạp dễ bị lợi dụng gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Ngược với quan điểm này, đại biểu Mai Hữu Tín bày tỏ sự đồng tình với các điểm mới về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp cũng như ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng. Chúng ta cần có rất nhiều đầu tư nữa mới có thể trở thành một nước công nghiệp phát triển như mong ước. Những thay đổi này sẽ giúp môi trường đầu tư của chúng ta thuận lợi hơn và tăng tính hấp dẫn của Việt Nam trong lúc công tác thu hút đầu tư đang ngày càng cạnh tranh hơn rất nhiều trong khu vực./.