Những năm qua, tình trạng khai thác thủy sản ven bờ mang tính tận diệt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang diễn biến phức tạp, hình thức ngày càng tinh vi và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thực tế này  đã và đang gây tổn hại cho nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái. Nếu không có những giải pháp căn cơ thì chắc hẳn không còn bao lâu nữa nguồn lợi thủy sản sẽ suy kiệt, ảnh hưởng đến kinh tế và nguồn sống của bà con ngư dân cũng bị đe dọa.

Tận diệt thủy sản bằng nhiều nghề

Anh Phạm Thanh Minh, Khu phố 2, phường Phước Trung, TP Bà Rịa chia sẻ, 20 năm qua thu nhập từ nghề lưới cá ven sông là nguồn sống của gia đình và việc học hành của các con cũng từ nghề đi biển. Đã có một thời cá cua gỡ không hết lưới sau một đêm thu hoạch, nhưng hiện nay thì không còn nữa, gia đình đang gặp khó bởi nguồn lợi thủy sản đang ngày càng suy kiệt khiến có những chuyến đi biển về không. Đó là hậu quả của những phương thức đánh bắt hủy diệt mà anh đã không ít lần chứng kiến.

“Từ trong trong sông đến ngoài biển, người ta dùng tìm mọi cách bắt tôm cá, kể cả việc đánh bắt bằng điện. Dùng điện đánh bắt làm cho cá bị tê liệt, cá nhỏ chịu không nổi sẽ chết. Cảnh sát biển cũng có đi tuần tra và xử lý vi phạm, nhưng những đối tượng khai thác trái phép hễ thấy lực lượng chức năng là tắt thiết bị, ném hết dây điện phi tang”, anh Minh cho biết.

vov_kthac1_aejy.jpg
Các phương tiện đánh bắt hoạt động gần bờ đang làm cho nguồn lợi suy kiệt.

Cùng với phương thức đánh bắt thủy sản dùng xung điện, thuốc nổ thì hành vi khai thác ven bờ của các phương tiện giã cào cũng khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng suy kiệt.

Ngư dân Nguyễn Văn Hùng, nhà ở phường 12 cho biết, các tàu giã cào thường đi theo cặp, gọi là giã cào đôi (có nơi gọi là giã cào bay). Tàu có công suất nhỏ thì khoảng 90 CV còn lớn là 600-800 CV, di chuyển với tốc độ từ 7-10 hải lý/giờ.

Loại đánh bắt kiểu này đã bị cấm hoạt động ở vùng lộng và vùng bờ, tuy nhiên giã cào vẫn ngày đêm hoạt động khu vực này. Không chỉ đánh bắt kiểu tận diệt nguồn thủy sản, khi hoạt động nghề giã cào còn làm rách lưới các tàu hoạt động tuyến bờ.

“Giã cào hoạt động ngày đêm, chỉ trừ khi có lực lượng chức năng là trốn vài ba tiếng, khi lực lượng bỏ đi thì họ lại cào tiếp. Nhiều người đã nhiều lần kiến nghị nhưng các cơ quan chức năng xử lý không xuể nên hành vi này liên tiếp tái diễn”, ông Hùng bức xúc cho biết.

Hiện nay, một kiểu đánh bắt khác cũng khiến nguồn lợi thủy sản bị hủy hoại nghiêm trọng hơn, đang được nhiều ngư dân trên địa bàn TP Vũng Tàu đã và đang lén lút sử dụng bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, đó là dùng thuốc nổ để đánh bắt. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, khoảng 40 ghe hành nghề lưới rùng đánh bắt cá cơm tại phường 12, Thành phố Vũng Tàu đang “nổi lên” như một điểm nóng của kiểu đánh bắt hủy diệt.

Cơ quan nhà nước kêu khó

Tại kỳ hợp thứ 12 HĐND tỉnh BRVT khóa VI vừa qua, nhiều cử tri quan ngại, tình trạng đánh bắt tận diệt ngày càng gia tăng, nhưng số vụ vi phạm mà các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý lại ngày càng giảm.

Cụ thể, năm 2016, phát hiện 195 trường hợp vi phạm, năm 2017 phát hiện 216 trường hợp, năm 2018 phát hiện 81 trường hợp, 6 tháng đầu năm 2019 chỉ phát hiện được 4 trường hợp vi phạm, trong đó có 1 hành vi vi phạm cào bờ. Đây là một nghịch lý, trong khi đó, mỗi năm nhà nước cấp cho đơn vị thanh, kiểm tra trên 7 tỷ đồng tiền nhiên liệu để sử dụng phương tiện, thực thi nhiệm vụ của mình. Chính vì vậy nhiều ngư dân lo lắng, cần phải xem lại cán bộ thanh tra, kiểm tra thủy sản.

Ông Huỳnh Văn Hồng ở huyện Long Điền lo lắng cho biết, riêng hành vi đánh bắt cá bằng xung điện và thuốc nổ đến nay chưa bắt được vụ nào. Sở Nông nghiệp cần cho biết công tác chỉ đạo, kiểm tra lực lượng thanh tra, kiểm ngư, cần làm rõ nguyên nhân vì sao số lượng tàu tăng, nhưng số vụ bắt lại giảm, đầu năm 2019 chỉ bắt được 1 vụ.

Lực lượng chức năng trên biển còn mỏng thiếu phương tiện phục vụ tuần tra.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NNPTNT cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là về phương tiện cho lực lượng thanh tra làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên biển vừa thiếu vừa “yếu”.

“Phương tiện trang bị cho lực lượng chuyên ngành vẫn còn ít và mỏng. Các phương tiện vi phạm lại hoạt động vào ban đêm với hình thức rất tinh vi. Khi lực lượng chấp pháp xuất phát thì các tàu này biết ngay nên tổ chức né tránh. Khi phát hiện vụ việc thì các tàu vi phạm lớn hơn tàu chấp pháp và tổ chức chống đối quyết liệt”, ông Cường thông tin.

Tương tự, theo Thượng tá Lê Hồng Sơn, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc sử dụng kích điện để đánh bắt thủy hải sản và tình trạng phương tiện giã cào khai thác trái phép vùng bờ là có thật. Tuy nhiên để bắt giữ, xử lý, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

“Bộ đội biên phòng phối hợp với Công an đường thủy có tổ chức mật phục để bắt, nhưng phương tiện thua xa phương tiện của các đối tượng vi phạm. Chế tài quản lý còn lỏng lẻo cùng với đó là lợi nhuận kinh tế nên người dân vẫn sử dụng giã cào để đánh bắt. Cần phải có sự phối hợp giữa có cơ quan như cảnh sát biển, kiểm ngư đối với vùng khơi, vùng lộng”, Thượng tá Lê Hồng Sơn chỉ rõ.

Tình trạng sử dụng thuốc nổ, hóa chất độc hại cùng với nghề giã cào hoạt động gần bờ ở Bà Rịa – Vũng Tàu không phải lén lút vào ban đêm mà diễn ra rầm rộ ngay cả ban ngày. Đây là thực trạng tồn tại từ nhiều năm khiến cuộc sống của nhiều ngư dân khốn đốn. Ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang lo lắng, liệu lực lượng chấp pháp đang thật sự gặp khó trong tuần tra, kiểm soát hay có ai đó đang tiếp tay cho hoạt động đánh bắt kiểu tận diệt?./.