Điều này dẫn đến khả năng tăng giá thành sản phẩm, hiệu quả kinh doanh thấp, có đơn vị mất khả năng thanh toán, thậm chí nguy cơ phá sản.

“Đúng là Nhà nước chưa sòng phẳng”

Báo cáo tại Hội nghị “Tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN thuộc Bộ Giao thông Vận tải” mới đây cho thấy, đại diện các DNNN đều thừa nhận, sau 10, vốn Nhà nước đã tăng 20%, doanh thu, lợi nhuận và thu nhập bình quân của người lao động tăng bình quân 10%, việc làm ổn định. Việc ứng dụng khoa học công nghệ phát triển mạnh, đã giúp nhiều doanh nghiệp sau cổ phần nâng cao năng lực, đủ khả năng xây dựng những công trình có quy mô lớn, công nghệ cao, thi công phức tạp, sản phẩm chất lượng cao, bước đầu cạnh tranh được với thị trường trong nước và nước ngoài. Việc chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ - công ty con đã phát huy được tính tự chủ của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; khắc phục được khâu trung gian trong quản lý, điều hành….

Tuy nhiên sau sắp xếp, chuyển đổi, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước gặp nhiều khó khăn về tài chính, đặc biệt là vấn đề nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản chưa được chủ đầu tư thanh toán quá lớn, vốn lưu động Nhà nước cấp cho doanh nghiệp quá ít. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, khoản nợ đọng trong xây dựng cơ bản không những gây khó khăn về vốn kinh doanh cho doanh nghiệp, mà còn làm cho các doanh nghiệp phải chịu khoản lãi vay phải trả ngân hàng rất lớn, dẫn đến làm tăng giá thành sản phẩm, hiệu quả kinh doanh thấp, có đơn vị mất khả năng thanh toán, thậm chí nguy cơ phá sản.

vuvanninh.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh
Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thừa nhận: “Đúng là Nhà nước chưa sòng phẳng chỗ này” và cam kết tới đây Nhà nước sẽ nghiên cứu, sửa đổi. Phó Thủ tướng nói: “việc các DNNN bị nợ chậm trả, mà không bị phạt là vô lý”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng gợi ý các doanh nghiệp cần tăng cường đổi mới công tác quản trị, quan tâm đào tạo nhân lực cho quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Vốn ngân sách hạn chế, vốn từ nguồn trái phiếu cũng không đủ cân đối nên các doanh nghiệp cần chủ động tính, đề xuất thêm cách khác. Phó Thủ tướng cho rằng, nếu doanh nghiệp quá thua lỗ có thể tính đến phương án bán hoặc cho phá sản doanh nghiệp. Dẫn lời khuyên của một chuyên gia nước ngoài, Phó Thủ tướng nói: “bán càng nhanh, càng tốt vì để lâu càng mất vốn Nhà nước”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, sắp xếp, đổi mới DNNN là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả cho chính doanh nghiệp, chứ “không phải lấy tiền cổ phần hóa để đưa vào chi tiêu”. Chủ trương này chỉ nhằm rút vốn ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ, chi phối và những lĩnh vực mà tư nhân không làm được hoặc không làm. 

Điều này một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và sắp xếp lại, rà soát đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty. Các doanh nghiệp này sẽ chỉ tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính, kiên quyết thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối. Báo cáo khẳng định, Chính phủ sẽ có phương án sắp xếp kiện toàn các doanh nghiệp thua lỗ. Đổi mới mô hình tổ chức và quản trị tại các DNNN nắm giữ 100% vốn, hoàn thiện cơ chế đại diện vốn. Các DNNN cũng sẽ phải tiến hành công khai kết quả kinh doanh và được đặt trong môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Cổ phần hóa không phải là tư nhân hóa

Trở lại hội nghị ngành giao thông, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thẳng thắn chỉ ra những “kẽ hở” trước đây của quá trình cổ phần hóa. Ông Thăng cho biết, đã có doanh nghiệp mạnh trong ngành trước kia nhưng sau khi cổ phần hóa, Nhà nước chỉ thu về không được bao nhiêu, “rồi thực chất đến nay đã trở thành tư nhân hóa vì Nhà nước chỉ còn nắm 6% cổ phần”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng
Bộ trưởng Thăng nói: “Chính sách cổ phần hóa không phải là tư nhân hóa, làm lợi cho một nhóm người, còn sau đó các thế hệ sau phải gánh”.

Vì vậy, “Bộ Giao thông Vận tải sẽ tính toán tăng vốn điều lệ cho các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa để khi đó bán mới được giá”, ông Thăng nói.

Các doanh nghiệp ngành giao thông đề nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục bố trí nguồn vốn trả nợ khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành còn lại cho các doanh nghiệp xây dựng giao thông. Riêng khoản nợ xây dựng cơ bản đối với các chủ đầu tư là địa phương đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ và chỉ đạo các địa phương bố trí nguồn vốn sớm thanh toán cho các doanh nghiệp. Chính phủ cần giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng có hướng dẫn triển khai giải quyết việc chậm thanh toán, bố trí nguồn vốn để thực hiện, đặc biệt đối với các tổng công ty, công ty có số nợ lớn.

Mẹ phải như “cá chuối đắm đuối vì con”

Báo cáo ngành giao thông cũng đánh giá mô hình công ty mẹ - công ty con còn một số hạn chế trong quản lý, điều hành. Đó là người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp rất khó phát huy vai trò, vì vừa điều hành công ty con, vừa phải bảo vệ quyền lợi của công ty mẹ. Việc thành lập công ty con đồng nghĩa với việc chia sẻ, cắt bỏ chức năng, phần việc của công ty mẹ, như vậy làm giảm bớt sức mạnh của công ty mẹ.

Ông Đinh Xuân Vinh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cienco6 giải thích, doanh nghiệp cổ phần hóa được tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tổng công ty trở thành cổ đông, được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ của cổ đông đối với doanh nghiệp. Khi đó, vai trò của tổng công ty đối với doanh nghiệp bị hạn chế.

Bàn về mô hình công ty mẹ - con, Bộ trưởng Thăng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, song cũng yêu cầu bản thân các doanh nghiệp cần tự nâng cao vai trò của mình. Ông Thăng cho rằng, công ty mẹ cũng phải xác định rõ vai trò của mình, phải nắm chi phối về vốn và công nghệ, để biết giúp đỡ công ty con khi khó khăn. Ông nói: “Công ty mẹ phải như cá chuối nuôi con, dám hy sinh nhảy lên bờ cho kiến đốt, rồi quay xuống nước cho con ăn”.

Đối với các công ty con cũng cần tránh sự ỷ lại, trông chờ quá nhiều vào công ty mẹ. Các công ty con cần nâng cao năng lực, xác định rõ nguồn vốn rồi mới tham gia đấu thầu, tránh việc bỏ thầu thấp do tính toán không kỹ, dẫn đến lỗ rồi lại kêu gọi sự trợ giúp từ Nhà nước.\.

Hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Ðổi mới và Phát triển doanh nghiệp, 9 tháng qua, cả nước đã thực hiện sắp xếp 47 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 14 doanh nghiệp, giải thể một doanh nghiệp, chuyển 32 doanh nghiệp thành công ty TNHH một thành viên. Tính đến ngày 30/9, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trong đó đã chuyển 1.245 doanh nghiệp thành công ty TNHH một thành viên (64 doanh nghiệp chưa chuyển đổi hoặc đang thực hiện các hình thức sắp xếp khác). Trong 64 doanh nghiệp này, có 39 doanh nghiệp thuộc các bộ, nhiều nhất là Bộ Giao thông Vận tải (11 doanh nghiệp); khối địa phương còn 20 doanh nghiệp, nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh (chín doanh nghiệp); khối các tập đoàn, tổng công ty 91 còn năm doanh nghiệp.

Báo cáo cũng chỉ ra một số  hạn chế của công tác đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Đó là, nhiều nghị định, đề án do các bộ trình, chậm tiến độ, cá biệt có đề án lùi tiến độ nhiều lần. Các cơ chế chính sách do không được sửa đổi, bổ sung kịp thời nên cũng làm ảnh hưởng tiến độ sắp xếp, đổi mới DNNN.