Anh Nguyễn Văn Trung (30 tuổi), quê ở tỉnh Bình Định, trước đây làm nhân viên tại một doanh nghiệp sản xuất cơ khí ở thành phố Nha Trang, sau 6 tháng nghỉ việc, nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng anh vẫn chưa tìm được việc làm ưng ý. Anh Trung cho biết, hiện mức lương bình quân được các nhà tuyển dụng đưa ra từ 7- 8 triệu đồng/tháng không đáp ứng được các nhu cầu trong cuộc sống, ngoài ra, các chế độ nghỉ dưỡng, bảo hiểm cũng còn nhiều hạn chế... Công việc tại Khánh Hòa chưa thỏa mãn nhu cầu nên anh tiếp tục chờ, tìm kiếm cơ hội khác hoặc vào các tỉnh, thành phố phía Nam để tìm việc.

“Về lương cơ bản cũng chỉ đáp ứng một vài tiêu chí còn để tạo sự bứt phá giống như những thành phố lớn thì chưa có. Mà chi phí ở Nha Trang cực kỳ cao. Đa số như anh chị ở Nha Trang lập nghiệp đã 10 năm nhưng cũng về quê sống vì không trang trải chi phí sinh hoạt, nhà cửa. Nhà trọ cũng tiền triệu mà lương tháng có 7 triệu. Thôi về quê lập nghiệp cho ổn”, anh Nguyễn Văn Trung chia sẻ.

Từ đầu năm đến nay, kinh tế tỉnh Khánh Hòa hồi phục khá ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng GRDP của quý 1 cao  hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao như công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - du lịch. Tuy vậy, các doanh nghiệp đặc biệt là khối sản xuất công nghiệp, chế biến thủy sản, dịch vụ - du lịch, xây dựng giao thông lại đang thiếu lao động. Vì thế, đã xảy ra tình trạng chuyển dịch lao động có tay nghề giữa các doanh nghiệp sản xuất. Riêng lĩnh vực dịch vụ, du lịch nhiều người lao động vẫn chưa mạnh dạn quay trở lại công việc sau thời gian dài phải chuyển sang công việc khác do dịch bệnh Covid-19. Các doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Ông Đặng Minh Toàn, Tổng quản lý khách sạn Vesna ở thành phố Nha Trang cho biết, sau khi tuyển dụng, lao động trong lĩnh vực du lịch phải đào tạo lại từ kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ đến các kỹ năng mềm để phục vụ du khách: “Vì 2 năm rồi, nhân viên họ ở nhà, không có được thực hành thực tế hàng ngày như trước nên kiến thức, kinh nghiệm của họ, các kỹ năng của họ ít nhiều cũng bị mai một. Bởi thế trong thời điểm này, chúng ta phải củng cố lại về vấn đề đào tạo”.

Để đáp ứng nhu cầu lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị các doanh nghiệp quy mô trên 100 nhân viên, định kỳ hàng tháng cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng. Hiện nay, các doanh nghiệp tại tỉnh Khánh Hòa, đang có nhu cầu tuyển dụng gần 3.900 vị trí nhưng chỉ có khoảng 1.700 lao động có nhu cầu tìm việc. Nhiều vị trí việc làm của doanh nghiệp và nhu cầu của người lao động lại không gặp nhau.

Ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa cho biết, mỗi tuần, trung tâm tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hàng tháng, đều về các xã, phường để tìm kiếm nhân sự cho các doanh nghiệp. Hiện nay, trung tâm tăng cường kết nối cung - cầu lao động thành lập câu lạc bộ những người làm nhân sự tại các doanh nghiệp để hình thành mạng lưới chia sẻ thông tin, nhu cầu tuyển dụng.

“Phiên giao dịch lưu động xuống sâu tới cơ sở, xuống xã, phường chứ không phải tới cấp huyện nữa. Tạo điều kiện cho người lao động tại địa phương đó, họ tới rất gần. Một số doanh nghiệp cùng với Trung tâm đi xuống trực tiếp, phỏng vấn trực tiếp để tuyển dụng luôn. Còn doanh nghiệp ở xa thì qua kênh trực tuyến, kết nối, mở phòng Room để họ giao dịch”, ông Chu Văn Công cho biết.

Hiện nay, kinh tế tỉnh Khánh Hòa đang có nhiều khởi sắc, bên cạnh du lịch đang phục hồi thì lĩnh vực chế biến xuất khẩu cũng cần nhiều lao động để thực hiện các đơn hàng. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong quý 2 tăng khoảng 5% so với quý 1. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng nguồn cung lao động đang thiếu, nhiều người vẫn chưa quay lại với công việc thời điểm trước dịch Covid-19. Ông Tạ Hồng Quang, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh này đang xây dựng Đề án giải quyết lao động, việc làm với nhiều giải pháp như tăng cường kết nối, xây dựng ngân hàng việc làm, đào tạo nghề ngắn hạn… để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp.

“Chưa có nguồn cung, kho cung lao động nên khi thiếu lao động thì không biết lấy đâu ra mà cung cấp cho doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có nhu cầu. Sở đang rốt ráo, tập trung giải quyết nhiều vấn đề. Qua đó, mới tạo việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động. Trước mắt, năm 2022, phải khôi phục được thị trường lao động, giúp cho doanh nghiệp có đủ lực lượng lao động duy trì sản xuất, chưa nói đến việc mở rộng sản xuất mà một số doanh nghiệp đang thiếu hụt”, ông Tạ Hồng Quang cho biết thêm./.