Chiều 10/3, Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột được khai trương chính thức kết nối các giao dịch cà phê của khu vực ra thị trường thế giới.
Đây là một trong những hoạt động nổi bật tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5/2015.
Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE) được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (thuộc sở hữu Nhà nước).
Với sự ra mắt của Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, các nhà thu mua cà phê sẽ kết nối mua - bán trực tiếp tại sàn hoặc trực tuyến, thay vì phải thông qua các đại lý trung gian như cách thức giao dịch hiện nay.
Về chiến lược vĩ mô, sàn giao dịch sẽ góp phần phát triển kinh tế theo hướng có nhiều thành phần, hoàn thành thị trường tài chính, chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa…
Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng một mô hình mới trong việc thiết lập và hoạt động của sở giao dịch hàng hóa đúng nghĩa sẽ bắt đầu. Bằng một sự đổi mới nữa là chúng ta sẽ liên kết trực tiếp với những sàn giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới, với sự có mặt của Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Sàn giao dịch hàng hóa Chicago là một ví dụ minh chứng. Tất cả chúng ta có thể mơ rằng, trong một tương lai không xa, khách hàng thế giới mua cà phê robusta của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, việc thanh toán ngoài đồng USD còn có đồng Việt Nam có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Ngay sau khi ra mắt, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội thảo vai trò của Sở giao dịch cà phê và hàng hóa với thị trường cà phê nông sản. Các đại biểu khẳng định, việc giao dịch mua –bán hàng hóa trên sàn là xu hướng tất yếu của thế giới.
Khi tham gia giao dịch qua sàn giao dịch BCCE, các nhà đầu tư, chủ thể sản xuất cà phê sẽ bán được giá tốt hơn, sử dụng giá của sàn giao dịch - giá quốc tế làm tham chiếu, không bị trừ lùi và luôn được duy trì ở mức ổn định theo sản lượng cà phê thế giới.
Các nhà đầu cơ sẽ được hưởng sự chênh lệch giá trong giao dịch, nếu phân tích được xu hướng biến động của giá cà phê trên thị trường thế giới. Còn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê sẽ chủ động được nguồn cung, cân đối giá cả trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Cà phê là mặt hàng giao dịch lớn thứ hai trên thế giới (sau dầu thô). Năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,6 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 3,4 tỷ USD. Nếu kết nối trực tiếp giữa người sản xuất với người tiêu dùng thế giới thông quá sàn giao dịch này, lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng hơn nữa.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lo ngại, rằng việc vận hành Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột cần cẩn trọng trước những diễn biến khó lường của thị trường cà phê thế giới, không nên kỳ vọng quá sớm về hiệu quả nó sẽ mang lại./.