Xác định gạo trở thành mặt hàng lương thực tác động lớn đến lạm phát, vì đây là loại lương thực cơ bản được hầu hết người dân trong nước tiêu thụ, Indonesia đang nỗ lực duy trì dự trữ gạo quốc gia đang ở mức thấp, trong đó có tính đến khả năng nhập khẩu gạo sau 3 năm.

Theo Cơ quan thống kê quốc gia Indonesia, gạo là một trong những mặt hàng lương thực góp phần đáng kể vào lạm phát lương thực và ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ lạm phát quốc gia. Giá gạo tăng 4,3% trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 11/2022 chủ yếu do giá nhiên liệu và phân bón tăng cùng vấn đề thời tiết.

Cơ quan này cho biết, nếu giá gạo tiếp tục tăng cao tại Indonesia, lạm phát lương thực có thể xảy ra, tác động đến lạm phát quốc gia. Điều này có thể dẫn đến giảm sức mua của người dân, hạn chế khả năng tiếp cận các loại lương thực thiết yếu, sau đó lan sang các khía cạnh khác của kinh tế xã hội.

Trong lúc này, cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) Indonesia cho biết, đang nỗ lực kiểm soát giá gạo trên thị trường, đảm bảo giá không tăng vọt, bằng cách can thiệp thông qua chương trình ổn định nguồn cung và ổn định giá (KPSH) hoặc các hoạt động thị trường.

Tuy nhiên, vấn đề Bulog phải đối mặt là lượng gạo dự trữ quốc gia đang xuống rất thấp. Lượng gạo dự trữ quốc gia tính tới ngày 22/11 xuống dưới 600.000 tấn. Theo Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (NFA), Bulog phải duy trì dự trữ gạo ít nhất 1,2 triệu tấn cho chương trình ổn định nguồn cung và ổn định giá, hoặc hoạt động thị trường cùng các nhu cầu khẩn cấp như thiên tai hoặc trợ cấp xã hội…

Bulog đang tích cực mua gạo dự trữ từ trong nước nhưng khối lượng không nhiều, trong khi mùa thu hoạch lúa tiếp theo của Indonesia tập trung vào tháng 3 và tháng 4 năm sau. Lựa chọn cuối cùng mà cơ quan này thực hiện là nhập khẩu gạo, phá vỡ kỷ lục 3 năm liên tiếp không nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia của Indonesia. Tuy nhiên, Bulog cam kết sát cánh cùng nông dân trong nước và nhập khẩu gạo sẽ không được thực hiện nếu có sẵn gạo trong nước.

Indonesia trước đây cũng là một khách hàng quan trọng của ngành lúa gạo Việt Nam. Dù không còn phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài, nhưng Indonesia vẫn là khách hàng tiềm năng của Việt Nam. Nguồn nhập khẩu dự kiến mà nước này đang xem xét có thể từ Thái Lan, Pakistan, Myanmar và Việt Nam./.