Một số người kinh doanh đồ ăn hy vọng, lệnh cấm xuất khẩu sẽ giúp giá dầu ăn trong nước giảm, bởi chi phí cao hơn bình thường khiến công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn:

- “Tôi đồng ý với chính sách của Tổng thống Joko Widodo để giá dầu có thể ổn định và trở lại bình thường".

- “Tôi hy vọng giá dầu sẽ không tăng. Xin hãy hiểu cho những người nghèo ở đây, họ sẽ không thể xoay sở nếu giá cả tăng trở lại”.

Qua thăm dò dư luận, các biện pháp quyết liệt của Tổng thống Indonesia nhằm kiểm soát giá lương thực bằng cách cấm xuất khẩu dầu cọ đã giúp nâng mức tín nhiệm của Tổng thống. Tuy nhiên về lâu dài, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và luật, Bhima Yudhistiraphân tích: “Thất thu từ việc xuất khẩu dầu cọ được bù đắp với việc tăng giá dầu ăn tại thị trường nội địa. Tình trạng đó không giúp ổn định giá dầu ăn ở Indonesia mà theo tôi nghĩ đó sẽ là phản ứng tiêu cực đối với nền kinh tế Indonesia.

Dầu cọ đóng góp hơn 12% trong xuất khẩu các mặt hàng phi dầu khí. Vì vậy chỉ trong một tháng, chúng tôi thu về hơn 3 tỷ đôla Mỹ từ dầu cọ, nên khi dầu cọ bị cấm, đồng nội tệ  bị ảnh hưởng mà còn gây bất ổn cho các dịch vụ tài chính, hệ thống tài chính ở Indonesia cũng như ảnh hưởng đến dự trữ tiền tệ về lâu dài”.

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto cho biết, Indonesia dự định nối lại xuất khẩu khi giá dầu ăn ở thị trường nội địa giảm xuống còn 14.000 Rupiah/lít (0,97 USD/lít) thay vì 26.000 Rupiah/lít (1,8 USD/lít) như những ngày gần đây.

Indonesia là nước sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ dầu cọ hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung. Với lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn dầu cọ của Indonesia, giá dầu ăn thế giới được dự báo sẽ còn tăng hơn nữa. Ngoài lý do truyền thống ẩm thực, dầu cọ còn được nhiều nước thu nhập thấp ưa chuộng vì giá rẻ. Đây từng là loại dầu ăn thực vật rẻ nhất trên thế giới và là 1 trong 4 loại dầu ăn chính tại Ấn Độ, nơi giá các mặt hàng này được xem là giá chuẩn của thế giới./.