Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch Covid-19 đang bị phủ bóng bởi gián đoạn nguồn cung năng lượng và lương thực.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia cho rằng: Thế giới trong đó có Indonesia đã mong đợi một sự phục hồi suôn sẻ và mạnh mẽ sau đại dịch. Tuy nhiên tình hình không như dự đoán. Không chỉ là vấn đề nhu cầu đang tăng lên nhanh so với nguồn cung mà còn do tác động của căng thẳng địa chính trị. Cuộc chiến tại Ukraine đang gia tăng sức ép, làm gián đoạn chuỗi cung cấp lương thực, năng lượng. Nhiều quốc gia cũng phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng, làm phức tạp trong việc lựa chọn chính sách để duy trì sự phục hồi thông qua cải cách tài khóa, tiền tệ và cơ cấu.
Một số ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất, nhưng bà Mulyani Indrawati cho rằng, tăng lãi suất và thắt chặt thanh khoản có thể tạo ra nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính. Trước bối cảnh đó, bà Indrawati cho biết Indonesia- nước chủ tịch G20 năm nay vẫn cởi mở và có những điều chỉnh chính sách linh hoạt.
Bộ trưởng Tài chính cũng nêu ra 2 ưu tiên đối với Indonesia: "Thứ nhất là bảo vệ sức mua của người dân khi chi tiêu hộ gia đình tại Indonesia chiếm khoảng 54% Tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Thứ hai là cố gắng tiếp tục hỗ trợ đà phục hồi, có thể thông qua đầu tư hay xuất khẩu hiện tăng mạnh nhờ vào sự phục hồi toàn cầu".
Bộ trưởng Tài chính Indonesia cho rằng để đảm bảo lạm phát không ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng, chính phủ sẽ tiếp tục bổ sung và thậm chí tăng trợ cấp, đặc biệt là trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao trên toàn cầu. Chính sách tài khóa của Indonesia cũng cần phải linh hoạt khi các ưu tiên thay đổi trong quá trình phục hồi. Trong thời kỳ đại dịch, các ưu tiên của Indonesia là sức khỏe và mạng lưới an toàn xã hội. Trong cú sốc nguồn cung thực phẩm và năng lượng, ưu tiên của Indonesia là cố gắng bảo vệ sức mua của người dân.
Khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020, Indonesia đã trải qua cuộc suy thoái đầu tiên sau 22 năm khi nền kinh tế của nước này suy giảm 2,07%. Tuy nhiên quốc gia này đã phục hồi trở lại vào năm ngoái với mức tăng trưởng 3,69%. Năm nay, ngân hàng trung ương dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt từ 4,7% đến 5,5%./.