Bộ GTVT cho biết, để có thể đạt được các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, nhu cầu nguồn vốn đầu tư từ nay đến năm 2020 là rất lớn.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài Chính), để hút được vốn tư nhân vào hạ tầng theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), cần có một cơ chế kiểm soát - chia sẻ rủi ro hữu hiệu giữa các bên hay mức độ ưu đãi đủ hấp dẫn.

“Mục đích huy động tư nhân vào các dự án BOT nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách trước áp lực cần có các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, song không có nghĩa NSNN không phải chi, do vậy cần khẳng định về mặt tài chính cần có sự đóng góp của nhà nước để đảm bảo dự án có tính khả thi, thu hút được nhà đầu tư”, ông Lê Tuấn Anh cho biết.

Hiện với cơ cấu ngân sách theo qui định của luật pháp Việt Nam, việc dành một khoản chi riêng cho các dự án PPP là chưa có, khoản chi này nếu có thì nằm trong kế hoạch đầu tư hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương. Song, với áp lực bố trí vốn cho các dự án khác, việc quyết định dành một khoản trong số được cân đối cho các dự án BOT (PPP) là một quyết định khó khăn đối với Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh.

Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các dự án PPP mới, đặc biệt các dự án quy mô lớn, cơ cấu ngân sách nhà nước cần có khoản chi riêng dành cho các dự án PPP. Trường hợp chưa tách riêng được cần có một quyết tâm chính trị cao của các Bộ, địa phương cân đối trong nguồn lực sẵn có của mình để đảm bảo phần trách nhiệm của Nhà nước.

“Một mô hình PPP riêng của Việt Nam là cần thiết. Vấn đề cốt yếu, nhất là bản thân các dự án trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông phải hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân, bởi các dự án giao thông đòi hỏi qui mô vốn lớn, thời gian thu hồi dài, rủi ro cao. Trong khi đó với môi trường kinh tế đang phát triển như hiện nay còn nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn khác với độ rủi ro thấp hơn. Các nhà đầu tư tư nhân luôn hướng tới lợi nhuận thu được khi tham gia các dự án đầu tư. Nguyên tắc này một khi chưa được thỏa mãn thì tất yếu dòng vốn sẽ không chảy tới nơi dù được Chính phủ khuyến khích”, ông Tuấn Anh chỉ rõ.

Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, để khuyến khích thu hút được các nhà đầu tư tư nhân vào các dự án BOT ngành giao thông, quan trọng nhất phải cân bằng được lợi ích giữa các dự án này với các dự án đầu tư thông thường khác.

“Do quy mô lớn và thời gian của dự án kéo dài nên phải được bù đắp lại bằng mức lợi nhuận cao hơn thông thường, hoặc mức độ ưu đãi đủ hấp dẫn cho nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án” - ông Lê Tuấn Anh nhấn mạnh./.