Lượng vàng này nếu quy đổi có thể lên tới hàng chục tỷ USD, sử dụng hiệu quả vào việc tăng nguồn dự trữ ngoại hối. Đặc biệt là những tháng cuối năm, chúng ta cần nhiều USD để xuất, nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, để huy động vàng trong dân một cách hiệu quả thì rất cần những chính sách, quy chế đồng bộ, rõ ràng, minh bạch. Bên lề hành lang Quốc hội, phóng viên VOV Online phỏng vấn ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia.
Người dân đổ xô đi mua vàng khi giá vượt 48 triệu đồng/lượng |
PV: Thưa ông, trong thời gian gần đây, giá vàng thế giới biến động khó lường đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá vàng trong nước. Điều này được thể hiện là có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn thế giới tới gần 5 triệu đồng/lượng. Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chính sách mới, cho phép một số ngân hàng được nhập khẩu, huy động vàng trong dân. Theo ông, giải pháp này liệu đã là liều thuốc hữu hiệu chưa?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ có tính chất tình thế. Muốn để cho thị trường ổn định, kéo giá vàng gần hơn với thế giới thì phải có thị trường vàng thông với thế giới. Theo đó, chúng ta phải coi vàng như hàng hóa có quy luật theo thị trường, mua bán theo cung-cầu, thiếu vàng thì nhập, thừa vàng thì cho xuất khẩu. Do chi phí quản lý, giá vàng trong nước cao hơn thế giới khoảng từ 500.000-700.000 đồng/lượng là mức có thể chấp nhận được.
Hiện nay, lượng vàng trong dân ước tính từ 300-500 tấn. Nếu chúng ta thực hiện tốt giải pháp huy động vàng trong dân, để người dân tham gia gửi vàng ở ngân hàng. Lượng vàng này nếu quy đổi có thể lên tới hàng chục tỷ USD, sử dụng hiệu quả vào việc tăng nguồn dự trữ ngoại hối và dùng để xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Ngoài ra, chúng ta phải có tổ chức bộ máy Nhà nước kiểm soát được hoạt động xuất, nhập khẩu, kinh doanh vàng, huy động vàng trong dân nhằm tránh hiện tượng đầu cơ, buôn lậu, lừa đảo. Nếu có quy chế quản lý rõ ràng, minh bạch và thông suốt thì chắc chắn không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng ở mức giá cao, doanh nghiệp xuất hàng chục tấn vàng giá thấp rồi lại phải xin giấy phép nhập khẩu khi giá leo thang.
Ông Cao Sỹ Kiêm |
PV: Hiện nay, đang có hiện tượng ngân hàng bán vàng cho dân với yêu cầu phải gửi lại ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều người dân không muốn gửi lại mà muốn cầm về nhà để khi giá lên đem bán ở chỗ khác có lãi cao hơn. Theo ông, nếu như vậy thì các ngân hàng được phép bán vàng ra có đủ lượng vàng cung ứng cho dân không?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Chúng ta cần phải có cơ chế phù hợp để người dân thấy có lợi khi mua-bán, gửi vàng ở ngân hàng. Ví dụ như người dân khi mua vàng và sau đó gửi lại ngân hàng thì sẽ được cấp một chứng chỉ như sổ tiết kiệm. Họ có thể cầm chứng chỉ gửi vàng này vay lại tiền ngân hàng để tham gia thị trường chứng khoán, mua cổ phiếu.
Để làm tốt được việc này thì chúng ta phải có chính sách cởi mở khiến dân hiểu rằng, gửi vàng ở ngân hàng sẽ có lãi, không bị rủi ro và có thể tham gia kinh doanh vào các lĩnh vực khác. Còn nếu như chúng ta không có chính sách, quy định rõ ràng mà để dân lấy hết vàng như rút hết tiền khỏi ngân hàng thì coi như chính sách huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân không phát huy hiệu quả.
PV: Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng nên mở tài khoản kinh doanh vàng thông với thế giới và cho các sàn vàng hoạt động trở lại. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Việc cho phép các ngân hàng mở tài khoản kinh doanh vàng ra nước ngoài chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế tạm thời nhằm kiềm chế cơn hoảng loạn thị trường và tâm lý đám đông. Giải pháp lâu dài thì vẫn phải có chính sách, quy chế quản lý vàng rõ ràng, minh bạch.
Nhà nước cũng chưa nên cho mở lại sàn vàng bởi vì hiện nay, hệ thống quản lý sàn vàng vẫn chưa rõ ràng và đang lấy ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế. Nếu như sàn vàng hoạt động mà không có sự giám sát, quản lý chặt chẽ thì rủi ro, hiện tượng đầu cơ, thao túng thị trường sẽ là rất lớn.
PV: Xin cảm ơn ông!./.