Trong khuôn khổ Ngày cà phê Việt Nam lần thứ nhất năm 2017, sáng nay (9/12), tại thành phố Đà Lạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Tây nguyên, Hiệp Hội cà phê ca cao việt Nam và UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức Hội thảo thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê Việt Nam.

vov_hoi_thao_ca_phe_qjmx.jpg
Hội thảo thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê Việt Nam

Cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương,địa phươngtrồng cà phê, nhà khoa học, các doanh nghiệpcà phê trong nước, dự hội thảo còn có đại diện Tổ chức cà phê thế giới, Liên đoàn cà phê Đông Nam Á và đại biểu một số nước sản xuất cà phê.

Theo thông tin tại hội thảo, cả nước hiện có 645.000ha cà phê, sản lượng xuất khẩu năm 2016 là 1,79 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, trong đó cà phê chế biến rang xay và hòa tan chiếm trên 10% tổng giá trị.

Việt Nam hiện là nước sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 trên thế giới, nhưng thực trạng sản xuất, chế biến và thương mại cà phê vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ lớn, thâm canh chưa bền vững, các điều kiện sơ chế, bảo quản, tạm trữ cà phê còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân đang khiến giá trị chuỗi sản xuất hàng hóa chưa cao.

Đặc biệt, do chưa có chiến lược toàn diện trong thúc đẩy xuất khẩu, nên cà phê Việt Nam chưa phát huy được các lợi thế riêng để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đó là những vấn đề lớn mà hội thảo lần này sẽ tập trung bàn thảo, phấn đấu đến năm 2030 đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 6 tỷ USD.

"Quan trọng nhất là chúng ta nhận dạng cho rõ những tồn tại, bất cập ở kể cả 3 khâu trong chuỗi từ sản xuất, chế biến cho đến thương mại, để trên cơ sở đó chúng ta hoạch định, khuyến nghị hướng đi, các giải pháp cho thời gian tới. Với một phương châm chung là không tăng diện tích nhưng phải tăng giá trị, trên cơ sở áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật từ giống, kỹ thuật canh tác, kỹ thuật quản trị và quan trọng hơn là tập trung chế biến sâu, tập trung liên kết để phát triển thương mại thật chặt chẽ, đưa ngành hàng cà phê của chúng ta tiếp tục phát triển"./.