Nhằm giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây sâm, trong các ngày từ 11 - 13/11 tới đây, lần đầu tiên tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức Hội chợ Sâm với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”. Thông qua Hội chợ, các DN sẽ có cơ hội tìm hiểu, xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân sản xuất, kinh doanh cây sâm và các sản phẩm từ sâm.
Tại hội chợ sâm Lai Châu, chính quyền địa phương sẽ công bố bản đồ quy hoạch phát triển vùng trồng sâm Lai Châu. Qua đó, UBND tỉnh Lai Châu mong muốn kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật trồng, sản xuất giống, phát triển vùng trồng và công nghệ chế biến các sản phẩm từ Sâm Lai Châu đến cộng đồng DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Hội chợ sẽ có các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm sâm Lai Châu, Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển vùng sâm Lai Châu; Hội thảo Chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sâm Lai Châu; lễ ký kết hợp tác, biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội sâm Lai Châu với UBND tỉnh Lai Châu; một số DN cam kết với UBND các huyện, thành phố nhằm phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sâm Lai Châu.
Ông Dương Đình Đức, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó trưởng Ban Tổ chức Hội chợ sâm Lai Châu cho biết, cây sâm Lai Châu phát triển và sinh trưởng ở độ cao trên 1.600m so với mực nước biển, nhiệt độ chênh giữa ngày và đêm cao, có môi trường mùn dưới tán dày để đủ dinh dưỡng.
“Qua khảo sát và nghiên cứu, tại Lai Châu hiện có trên 17.000ha diện tích thích ứng cao với việc trồng sâm. Khi làm chủ được quy trình nhân giống, các DN sẽ liên kết với các hộ gia đình có diện tích đất phù hợp để trồng sâm và việc nhân rộng liên kết này là hết sức cần thiết, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế để người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Có thể nói cây sâm là một “cây vàng” dưới tán rừng Tây Bắc”, ông Đức nêu rõ.
Trong khuôn khổ Hội chợ sâm Lai Châu sẽ tái hiện không gian kiến trúc nhà ở truyền thống của 5 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu; trong đó có trưng bày, giới thiệu về đồ dùng sinh hoạt, nghề thủ công truyền thống, trang phục, trang sức, dụng cụ sản xuất của đồng bào các dân tộc ở các bản như Vàng Pheo, xã Mường So (huyện Phong Thổ); San Thàng, xã San Thàng (thành phố Lai Châu); bản Thẳm, xã Bản Hon, bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) và bản Nậm Pắt, xã Tà Mung (huyện Than Uyên). Đồng thời, UBND tỉnh Lai Châu cũng giới thiệu 30 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và quảng bá du lịch của tỉnh./.