Bộ TT&TT đã tích cực xử lý vấn nạn rác viễn thông, trong đó có SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác trong suốt thời gian qua. Một trong số các giải pháp đó là yêu cầu chủ thuê bao (SIM) phải khai báo thông tin chính chủ (gồm ảnh chụp và thông tin CCCD). Tuy nhiên, thực tế trên thị trường hiện vẫn không khó để người dùng mua được SIM di động được bán tại các đại lý mà không cần đăng ký (SIM rác).
Mua SIM rác không cần giấy tờ, khai báo thông tin
Anh Nguyễn Việt Khôi, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, anh vừa mua một thẻ SIM về cho con sử dụng với giá 650.000 đồng dùng trong 12 tháng mà không gặp bất cứ yêu cầu gì trong giao dịch mua bán.
“Tôi cũng không biết SIM đứng tên ai nhưng mua về chủ yếu để bố mẹ gọi cho con để tiện đưa đón khi đi học. Tôi cứ ra đại lý hỏi mua là có thôi, không cần khai báo thông tin gì cả”, anh Khôi cho hay.
Tình trạng mua bán SIM kích hoạt trước còn diễn ra công khai trên các trang mạng và trang thương mại điện tử. Chỉ với từ khóa “SIM kích hoạt sẵn” trên trang tìm kiếm thu được hàng triệu thông tin quảng cáo về sản phẩm này, với giá còn rẻ hơn khá nhiều so với cửa hàng bán trực tiếp.
Xác nhận tình trạng còn SIM kích hoạt trước (SIM rác) lưu hành trên thị trường, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, hiện có 5.710 cá nhân sở hữu trên 100 SIM, có 261 cá nhân sở hữu trên 1.000 SIM.
Theo các chuyên gia viễn thông, kể từ khi có yêu cầu kiểm soát chặt SIM thuê bao thông qua khai báo thông tin, số lượng SIM rác cũng giảm đáng kể. Song, thực tế hiện nay là có hiện tượng đại lý thuê sinh viên và lao động tự do kích hoạt cả nghìn SIM để bán ra ngoài. Ngoài ra, chính đại lý ủy quyền địa phương có thể sử dụng thông tin người dùng vừa đăng ký để kích hoạt SIM mà không được sự cho phép của người dùng.
“Lợi dụng luật không hạn chế cá nhân sở hữu số lượng SIM nên có tình trạng một người có thể đăng ký nhiều SIM để bán ra thị trường. Bên cạnh đó, một số đại lý ủy quyền làm nhiệm vụ cập nhật thông tin cá nhân người dùng lại dùng thông tin người dùng đó cho nhiều SIM là một lỗ hổng trong quy trình quản lý hiện nay. Tuy nhiên, để phát hiện bằng kỹ thuật việc SIM kích hoạt trước là khó khăn vì các đối tượng vẫn có thể tạo ra các hoạt động trên SIM theo đúng quy định chỉ bằng vài thao tác công nghệ đơn giản”, ông Phạm Đức Long nói.
Kiểm soát cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo thông qua định danh nhãn hiệu đầu số
Theo ông Phạm Đức Long, Bộ TT&TT đang tiếp tục làm việc với nhà mạng xem xét để đưa ra các chế tài cũng như hành lang pháp lý để xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ TT&TT cũng đang phối hợp với Bộ Công an để điều tra vụ việc có những SIM được đăng ký kích hoạt rồi đem sử dụng vào mục đích lừa đảo. Thông qua những vụ án này, Bộ TT&TT sẽ đưa ra kết luận về truy trách nhiệm của các nhà mạng, đại lý và cả những người đứng tên đăng ký SIM là hình thức tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
“Mong các cơ quan báo chí cũng truyền thông rộng rãi vấn đề SIM rác để bản thân người dùng có thói quen kiểm tra thông tin thuê bao. Nếu họ phát hiện thông tin cá nhân của mình bị sử dụng cho nhiều SIM thì thông báo cho nhà mạng để nhà mạng chấn chỉnh đại lý nào để phát sinh vấn đề đó”, ông Long nói.
Theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng trên mỗi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền đối với hành vi bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; Mua bán, trao đổi hoặc sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao…
Đối với việc xử lý các vi phạm thông qua xử phạt hành chính, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) thừa nhận mức xử phạt chưa đủ răn đe. Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ nghiên cứu triển khai lại hành lang pháp lý để tăng chế tài xử phạt các hành vi này.
Trước mắt để hạn chế tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác từ đơn vị marketing, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng gắn nhãn hàng (brandname) các đầu số. Theo đó, khi nhận được cuộc gọi người dùng sẽ biết đầu số thuộc nhãn hàng nào hay số cá nhân, từ đó để quyết định họ sẽ tiếp nhận cuộc gọi hay không.
“Việc thực hiện gắn brandname các đầu số khai báo hiện Viettel và MobiFone làm khá tốt, VNPT vẫn còn hạn chế một số biện pháp kỹ thuật nên chưa triển khai được. Song chúng tôi yêu cầu phải khẩn trương thực hiện trong thời gian sớm nhất”, ông Thắng cho biết thêm.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Công an và Bộ TT&TT hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông xác thực thông tin thuê bao từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, tiến hành làm sạch thông tin thuê bao, đối soát và xác minh tính chính xác thông tin.
Cụ thể, từ ngày 1/8/2022, các thuê bao mới khi đăng ký sẽ phải xác thực qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng SIM rác.
Từ ngày 1/11, người dân có thể gửi tin nhắn hoặc gọi số 156 để phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo
Hoặc V (số điện thoại phát tán cuộc gọi rác)(nội dung cuộc gọi rác) gửi 156 hoặc 5656.