Người trẻ dễ bùng nổ cảm xúc
Gần đây, sự việc học sinh cãi nhau tay đôi với thầy giáo, thậm chí văng tục, xưng "mày - tao" và thách thức thầy giáo trước các học sinh khác tại Khánh Hòa đã lan truyền trên mạng. “Học trò cá tính, thầy mất bình tĩnh và cả hai thầy trò đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, trong lòng chất chứa bức xúc”. Nguyên nhân mâu thuẫn giữa thầy và trò đã được hiệu trưởng nhà trường chỉ ra trong các cuộc làm việc và đưa ra giải pháp sau đó.
Câu hỏi nhiều người đặt ra là có phải bây giờ học sinh “bất trị” hơn, nhiều phản ứng tiêu cực hơn và ngày càng thiếu kiềm chế cảm xúc? Tuy nhiên, theo thạc sỹ giáo dục Trần Thu Trang, hiện đang công tác tại trường Quốc tế Liên Hợp Quốc, trong môi trường học đường, giữa thầy cô và học trò sẽ không thể tránh khỏi những sự bất đồng quan điểm, ý kiến và sự hiểu lầm dù ở trường công lập hay dân lập, quốc tế hay trong nước. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, mâu thuẫn này còn bị đẩy lên đỉnh điểm bằng những tranh luận với ngôn từ không phù hợp hay bạo lực từ phía thầy cô hoặc ngược lại.
Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, ở độ tuổi thiếu niên, tiền dậy thì và dậy thì, các bạn trẻ bước vào giai đoạn thay đổi về cảm xúc, tâm lý, muốn khẳng định bản thân và thường thiếu kiềm chế, dễ bùng nổ. Cộng thêm sự phổ biến của mạng xã hội khiến thông tin về những mâu thuẫn thầy trò hoặc những hành xử lệch chuẩn của người trẻ dường như trở nên phổ biến hơn.
Bài học “buông dây” trong xử lý mâu thuẫn
Việc quản lý cảm xúc nóng giận theo thạc sĩ giáo dục Trần Thu Trang cần được giáo dục bắt đầu từ lứa tuổi mầm non để bước vào thời điểm dậy thì, những phản ứng với thầy cô, cha mẹ của các bạn trẻ sẽ trong tầm kiểm soát. Ngược lại, trước một tranh luận hoặc một tình huống phát sinh có khả năng bị đẩy lên thành mâu thuẫn, người lớn tránh việc chỉ trích nặng nề hoặc sử dụng những ngôn ngữ thiếu kiểm soát hoặc kích động tính tự tôn của các bạn trẻ.
“Trong ngành giáo dục, chúng tôi được dạy một kỹ thuật gọi là “Buông dây”. Tức là khi bạn trẻ đang trong cơn tức giận, chúng sẽ ra sức bảo vệ ý kiến của mình, giáo viên như tôi sẽ lùi lại không đôi co thêm, đi khỏi nơi đó và nói “Chúng ta có thể nói chuyện này vào ngày mai nhé? Bây giờ cô để con một mình, cô muốn đi ra ngoài”, thạc sĩ Thu Trang chia sẻ một kinh nghiệm giải tỏa mâu thuẫn.
Khi người lớn không “thêm dầu vào lửa”, rời đi sẽ tạo điều kiện thời gian, không gian để đứa trẻ một mình suy nghĩ lại về hành vi, lời nói. Kinh nghiệm này có thể áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau như bố mẹ với con cái, thầy cô với học trò, các thành viên trong gia đình và cả chính các bạn trẻ với nhau nhằm hóa giải mâu thuẫn cũng như tránh những cơn giận khó kiểm soát giữa các bên.
Việc khuyến khích các bạn trẻ tham gia hoạt động thể thao, vận động thể chất cũng đáng được xem như giải pháp bổ trợ nhằm tiêu hao năng lượng thừa đồng thời có được thể chất tốt. Tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm có cùng sở thích cũng góp phần rèn luyện kĩ năng ứng xử, tương tác giữa các cá nhân, tìm sự đồng thuận để giải quyết vấn đề.
Không ít phụ huynh, khi con em gây ra lỗi lầm, thậm chí rất lớn như đánh người, phóng xe với tốc độ cao gây nguy hiểm cho người đi đường bị lực lượng chức năng bắt giữ thường biện hộ rằng “con tôi ở nhà ngoan lắm” hay “người ta cứ đổ lỗi cho nó chứ nó lành như đất”. Có thể xem đây như một cách bao che và có thể gây tác hại lớn với các bạn trẻ trong việc khó kiểm soát hành vi, cảm xúc, thậm chí phi phạm pháp luật.
“Yêu thương thái quá và mù quáng của phụ huynh dành cho con cũng là điều không nên. Họ cần tỉnh táo để hiểu và kịp thời giáo dục con tại nhà”, thạc sĩ Thu Trang nhấn mạnh./.