Những ngày này, cứ sáng ra là Bà Lê Ngọc Bích 65 tuổi, Thôn 1 Xã Ia Tôr, huyện Chư Prông lại cầm rổ ra vườn tiêu của mình để tận thu từng dé tiêu non khô rụng từ những trụ tiêu đã chết.

Cũng như nhiều gia đình khác ở Thôn 1, vườn tiêu hơn 1 ha của bà Bích bị bệnh chết nhanh. Chỉ trong hơn 1 tháng, hơn 1000 trụ tiêu thời kỳ kinh doanh của bà đã chết đứng. Mọi nỗ lực cứu chữa như phun thuốc, đổ thuốc vào gốc, dọn vệ sinh, tiêu huỷ cây bệnh, đều không có tác dụng. Bệnh tiếp tục lây lan và đến nay chỉ vài trụ còn sống sót, khiến kinh tế gia đình đứng bên bờ vực.

tieu_chet_copy_twnn.jpgNgười dân gặp nhiều khó khăn vì tiêu chết 

Bà Bích nói: "Tôi có bao nhiêu tiền tích trữ, đầu tư vào đây, bây giờ trắng tay luôn. Đi mót những quả đen, quả thối, quả rụng, quả hư, tiếc quá. Người già ở nhà không có gì làm, ra đây mót như vậy được 5 chục, 3 chục/ngày. Bây giờ, tôi trồng xen cà phê vào đó, còn trụ tiêu nào thu được thì thu".

Cùng thôn, cùng hoàn cảnh với bà Bích, là nông dân Lê Thành Trung, 43 tuổi. Khi khu vườn của mình mới chớm bệnh, anh đã không tiếc tiền mua thuốc bảo vệ thực vật, không tiếc công vệ sinh phòng dịch cho vườn cây, chống lây bệnh,... nhưng tiêu vẫn chết rất nhanh. Bây giờ anh Trung phó mặc cho trời, không dọn cỏ, không phun thuốc chữa bệnh, với hi vọng bỏ mặc may ra vớt vát lại được trụ nào, hay trụ đó.

Nông dân Chư Prông vét nhặt từng dé tiêu rơi rụng từ những trụ tiêu đã chết

Theo đó, món nợ 500 triệu đồng mà gia đình anh vay để đầu tư trồng vườn tiêu này, cũng để phó mặc cho số phận. Anh Lê Thành Trung, cho biết: "Tôi vay đến năm nay là 500 triệu đồng, không biết trả ngân hàng như thế nào đây. Nếu có trả thì trả đủ tiền lãi, kéo dài thời gian ra, rồi mình làm cái khác. Chứ bây giờ trông chờ vào cây tiêu để trả ngân hàng chắc khó quá. Đường cùng, bí quá thì bán đất để trả. 2.000 trụ tiêu bây giờ chết chỉ còn 1.200 đến 1300. Mình cũng chán quá rồi, không làm nữa, cỏ rác tùm lum, biết đâu mình thả lủi thì nó lại sống."

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông, trong 10 tháng của năm nay, tại địa phương đã có hơn 80 ha hồ tiêu bị xoá sổ bởi bệnh chết nhanh, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, khiến cả trăm gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Mặc dù đơn vị đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, cử nhiều cán bộ xuống địa bàn để trực tiếp hướng dẫn người dân về phòng trừ dịch hại trên cây tiêu, nhưng dịch bệnh chết nhanh ở loại cây này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tính từ đầu năm đến nay, huyện Chư Prông có diện tích tiêu bị chết đã hơn 80 ha

Theo ông Lê Quang Nhân Trí, cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông, nguyên nhân chính là do nấm Phytophthora, gây nấm trên cổ rễ. Do bà con nông dân chưa nắm rõ quy trình chăm sóc, từ khâu chọn giống, làm đất, đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nguyên nhân khác là do bà con mình mở rộng diện tích tiêu ào ạt, nó lầm phát tán, lây lan rất nhanh bệnh chết nhanh trên cây tiêu. Trong năm 2014 này, Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông đã tổ chức 14 cuộc tập huấn tăng cường thêm sự hiểu biết. Nhưng do diện tích tiêu lớn và canh tác manh mún nên không thể nào tập huấn hết cho các hộ trồng tiêu."

Tỉnh Gia Lai được coi là thủ phủ hồ tiêu của Tây Nguyên, huyện Chư Prông là một trong những huyện trồng nhiều hồ tiêu của tỉnh, với hơn 2.200 ha. Giống như ở các huyện khác, việc giá tiêu luôn ở mức trên dưới 160 triệu đồng/tấn như thời gian gần đây, đã khiến người dân ồ ạt mở rộng diện tích, dù trình độ canh tác chưa cao. Điều này báo trước dịch bệnh trên cây trồng này sẽ tiếp tục khó kiểm soát, và sẽ có thêm nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn do diện tích hồ tiêu bị chết tăng cao./.