Đây chính là giấy thông hành cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam đến với một thị trường đầy tiềm năng.
Sau 2 tháng Hiệp định có hiệu lực, một số doanh nghiệp đã được hưởng những lợi ích đầu tiên. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, Hiệp định này vẫn còn khá mới mẻ. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là để chuẩn bị, tận dụng các cam kết một cách phù hợp, các doanh nghiệp cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết trong EVFTA liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến ngày 12/10, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho trên 660 lô hàng với trị giá khoảng 2 triệu USD. Trong đó tháng 8 là 310 triệu USD và tháng 9 là 519 triệu USD.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam bắt đầu khởi sắc. Theo đó, các đơn hàng thủy sản sang EU trong tháng 8 vừa qua tăng 10% về kim ngạch so với tháng 7/2020. Giá các sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi EVFTA có hiệu lực, 126 tấn gạo thơm đầu tiên đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất 0% vào ngày 22/9 vừa qua...
Những kết quả ban đầu này là tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn còn rất khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện Hiệp định EVFTA vẫn còn rất mới mẻ với đa số các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc Công ty Tiến Đạt (hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu đồ gỗ vào EU) bày tỏ: "Khó khăn ở chỗ, đây là một Hiệp định thế hệ mới, nên mọi yêu cầu, tiêu chuẩn rất ngặt nghèo. Chẳng hạn như chúng tôi là doanh nghiệp gỗ phải sử dụng nguồn nguyên liệu có chứng nhận xuất xứ, vệ sinh an toàn… Đảm bảo được đúng các yêu cầu này, chúng tôi mới được xuất khẩu hàng đi châu Âu. Đây là những thách thức đối với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ".
Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, mặc dù rất quan tâm đến việc khai thác cơ hội của EVFTA nói riêng và các hiệp định FTA nói chung, nhưng hiện vẫn chưa hiểu hết nội dung và các cam kết liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của mình. Do đó, các cơ quan chức năng, hiệp hội cần tăng cường hoạt động hỗ trợ cung cấp thông tin về những nội dung cam kết cụ thể theo từng ngành nghề, lĩnh vực. Cụ thể như các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật về chứng nhận xuất xứ, vệ sinh an toàn, nguồn gốc nguyên liệu hợp pháp, các biểu thuế ưu đãi và hạn ngạch...
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản nêu quan điểm, để tăng sức khỏe cho các doanh nghiệp, các bộ ngành cần quan tâm hơn tới việc xây dựng, sửa đổi các quy định liên quan đến chứng nhận xuất xứ, gỡ bỏ các rào cản thủ tục liên quan để tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
"Chúng tôi mong muốn rằng, một số quy định trong nước giúp có thêm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Ví dụ như những nội dung Hiệp hội và một số ngành hàng xuất khẩu khác đang kiến nghị liên quan đến quy định về mã số, mã vạch trên hàng xuất khẩu; hy vọng điều này sẽ được đưa vào trong kế hoạch sửa đổi năm nay. Ngoài ra, còn một số vấn đề liên quan đến phí, kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với xuất nhập… Chúng tôi cũng mong muốn rằng, có sự cải cách hơn nữa để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp" - ông Nam bày tỏ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhằm thực hiện hóa những cơ hội lớn mà EVFTA mang lại, các doanh nghiệp cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết cụ thể liên quan tới hoạt động kinh doanh. Từ đó có hành động chuẩn bị, tận dụng các cam kết một cách phù hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thông tin về cam kết EVFTA và hướng dẫn tận dụng Hiệp định này cho các ngành, lĩnh vực cụ thể với mức độ sâu hơn, chi tiết hơn, đầy đủ hơn để từng ngành, từng doanh nghiệp đều được chuẩn bị hành trang kỹ càng cho việc hiện thực hóa các cơ hội của EVFTA đầy tiềm năng này.
Bà Trang cho biết: "Để có thể thắng trong bất kỳ một cuộc chơi nào thì doanh nghiệp phải có năng lực đủ mạnh, đó chính là năng lực cạnh tranh nền tảng của doanh nghiệp phải mạnh. Cải thiện năng lực cạnh tranh, năng lực nổi trong quản trị doanh nghiệp, chuyên nghiệp hóa trong việc cung cấp những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, có ưu thế cạnh tranh là điều mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải tuân thủ. Và nếu chúng ta làm được việc này, cộng với những lợi ích cơ hội từ Hiệp định thương mại như EVFTA chúng ta sẽ có thể thành công".
Hiện VCCI đã xây dựng cuốn Cẩm nang doanh nghiệp tóm lược Hiệp định EVFTA, giúp doanh nghiệp có những lưu ý về những vấn đề cần quan tâm nhất, các vấn đề cần chuẩn bị tập trung nhất để tận dụng được hiệu quả Hiệp định EVFTA.
Cùng với đó, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và VCCI thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - EU để hỗ trợ kết nối doanh nghiệp hai bên liên kết, hợp tác và khai thác lợi thế của Hiệp định. Qua đó cũng hỗ trợ hai bên phát triển nội lực, tăng cường hoạt động kinh doanh đầu tư hiệu quả trong thời gian tới./.