Mặc dù các cơ quan chức năng khẳng định liên tục kiểm tra, kiểm soát và bảo vệ thị trường, và thực tế đã có hàng trăm nghìn vụ vi phạm bị phát hiện và xử lý. Song, vì sao tình trạng gian lận thương mại vẫn diễn ra, và hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, mập mờ xuất xứ… vẫn đang ngày càng trở nên phức tạp và nan giải hơn?
Dễ kiếm lời từ hàng giả, hàng nhái
Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn biến gia tăng, phức tạp được xác định là do “lãi lớn”. Một chiếc túi xách nhái, giả thương hiệu nổi tiếng được bán với giá từ vài trăm đến vài triệu ngoài thị trường, thậm chí khi “lọt cửa” kiểm soát, “chui” được vào các trung tâm thương mại lớn, giá có thể lên tới vài nghìn USD, trong khi giá thực của nó tại những nơi làm giả chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Phần lớn sản phẩm, hàng tiêu dùng mang thương hiệu nổi tiếng đều bị làm giả. Những chiếc điện thoại do hãng sản xuất vừa tung ra thị trường có giá hàng chục triệu đồng, nhưng ngay lập tức thị trường đã xuất hiện hàng giả, hàng nhái nhưng được quảng cáo “xịn”, với chiết khấu cao, có giá chỉ bằng nửa, thậm chí thấp hơn nhiều lần giá của nhà sản xuất.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Phan Ngân Sơn nêu thực trạng, hàng giả mạo và hàng xâm phạm quyền SHTT xảy ra trên mọi lĩnh vực địa bàn và cả khu vực sản xuất, chế biến lưu thông và xuất nhập khẩu như thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu và rất nhiều mặt hàng khác. Vì lợi nhuận mà các đối tượng tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả bất chấp cả những hậu quả pháp lý.
Một lô hàng giả, hàng nhái bị cơ quan chức năng tiêu hủy. |
Còn nhớ, tại một cuộc làm việc của các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương về thương mại điện tử hồi cuối tháng 8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu dẫn chứng về sự xuất hiện website giả mạo Sam Sung để bán hàng, một số sàn/chợ thương mại điện tử có thương hiệu tiếp tục xuất hiện hàng giả cũng như có những quy định bất lợi cho người tiêu dùng nhưng lại được phát hiện bởi báo chí chứ không phải cơ quan quản lý Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Thương mại điện tử như là mảnh đất để dung dưỡng cho hoạt động buôn lậu và lừa đảo, nếu gian lận ở quy mô lớn thì sẽ cản trở và sẽ phá hoại nền sản xuất và thị trường”.
Cũng chính vì nguồn thu bất chính từ việc gian, giả là vô cùng lớn nên đã xuất hiện cả những “đường dây” khép kín từ sản xuất đến phân phối, rất khó phát hiện. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp bị làm giả làm nhái không dám lên tiếng, thậm chí là “giấu nhẹm” đi vì sợ người tiêu dùng phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả sẽ tẩy chay, quay lưng, không sử dụng. Đây chính là cơ sở để “dung dưỡng” cho hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền, gian lận thương mại.
Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các phương thức, thủ đoạn kinh doanh không lành mạnh thông qua hình thức thương mại điện tử ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng thường sử dụng nhiều biện pháp để sàng lọc “từ khóa” nhằm vượt qua các biện pháp ngăn chặn của cơ quan chức năng; Khó phát hiện khi đối tượng sử dụng các tên miền nước ngoài.
Việc quảng cáo, giới thiệu trên mạng không đúng với sản phẩm khi giao tới tay khách hàng khá phổ biến… Trong khi đó, năng lực của cán bộ còn hạn chế và hệ thống pháp lý còn yếu, chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa mang tính răn đe. Cũng theo đại diện Bộ Công thương, việc giám sát hoạt động kinh doanh ở thị trường truyền thống vốn đã khó khăn, quản lý các thương nhân trên sàn TMĐT còn khó khăn, nan giải gấp nhiều lần. Bởi một sàn giao dịch TMĐT hiện có thể lên tới hàng triệu người tham gia bán hàng.
Trong khi đó, việc xóa sổ một gian hàng /website trên mạng lại có thể đóng ngay tức thì, mất hoàn toàn dấu vết nên rất khó cho công tác điều tra, xử lý; Hành lang pháp lý chưa theo kịp với sự phát triển của thương mại điện tử, chế tài để xử lý lại chưa đủ sức răn đe đối với loại tội phạm này.
Chế tài xử phạt còn lỏng lẻo
Ông Đặng Hoàng Hải cho biết: “Ngành TMĐT là ngành mới, việc đào tạo bài bản hiện nay còn thiếu. Công tác phối hợp còn hạn chế. Trong chính sách pháp luật thì một trong những nghị định then chốt về TMĐT là Nghị định 52/CP thì chúng tôi cũng đề xuất sửa đổi một số vấn đề liên quan đến mô hình hoạt động TMĐT, điều kiện kinh doanh TMĐT, cung cấp thông tin sản phẩm, công khai các chính sách về quy định… chúng ta sẽ cố gắng hoàn thiện chế tài của Nghị định 52 trong năm 2020.. Về chế tài, Nghị định 185 vừa rồi bổ sung một loạt hành vi, bổ sung hình phạt đến 40-50 triệu đồng”.
Thượng tá Đỗ Đức Tạo - Phó trưởng Phòng 11, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đơn cử: Điều 12, Nghị định 99/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cũng quy định về đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, mức xử phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tiền không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng (mà không quy định mức trị giá hàng hóa tối đa để xử lý hình sự nên dù trị giá hàng hóa vi phạm có thể lên đến hàng tỷ đồng hoặc nhiều hơn cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính).
Thượng tá Đỗ Đức Tạo, nhấn mạnh, việc thiếu những chế tài rõ ràng và mạnh tay đối với các hành vi vi phạm không đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm. Nhiều vi phạm vừa có thể xử lý bằng biện pháp hình sự vừa có thể xử lý bằng biện pháp hành chính. Các cơ quan thực thi pháp luật thường chọn hình thức xử lý hành chính vì thủ tục và quy trình xử lý đơn giản hơn rất nhiều so với hình thức xử lý hình sự.
“Theo quy định của Bộ Luật hình sự, tội phạm xâm phạm sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể về hình thức định khung, mức xử phạt tương ứng và lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tại điều 226 quy định đối tượng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị xử lý hình sự là giả mạo nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Còn các nội dung khác như: kiểu dáng, sáng chế... không được quy định, trong khi đó thực tiễn công tác phòng ngừa đấu tranh với loại tội phạm này cho thấy những vi phạm về kiểu dáng, sáng chế diễn ra phổ biến ở nước ta gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, doanh thu và lợi ích của các chủ thể quyền”, Thượng tá Đỗ Đức Tạo nói.
Thực tế hiện nay, dù liên tục kiểm tra và xử lý, song nhiều bất cập về chế tài xử lý đã làm “bó tay” các lực lượng thực thi pháp luật.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương nêu thực tế: “Đối với với hoạt động liên quan đến kinh doanh hàng giả hàng nhái, có một đặc thù là những quy định mới chỉ mang tính lý thuyết và cần phải thực tiễn hoạt động. Đặc biệt rất khó thi hành ở trách nhiệm cũng như quyền của người tiêu dùng được đảm bảo, đó là chuyện bồi thường thiệt hại”./.
Bài 3: Giải pháp nào ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, Gian lận thương mại trong thời đại công nghệ 4.0?
Nạn hàng giả, hàng nhái: 1001 kiểu gian lận