Sáng 29/11, tại Hà Nội, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm “Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái” 29/11 và phát động chương trình “Nhịp cầu thương hiệu - Kết nối thành công” năm 2019.

hang_gia1_gglh.jpg
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết, kinh doanh hàng giả đang bùng nổ trên toàn cầu. Nguy hiểm hơn, nó đang dần dịch chuyển từ những sản phẩm vô hại như giày, dép hay túi sách sang dược phẩm, thuốc trừ sâu trực tiếp đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng… 

Theo ước tính của Phòng thương mại Quốc tế ICC, giá trị hàng giả trên toàn thế giới sẽ vượt 2.000 tỷ USD trong tương lai, tương đương 3% GDP toàn cầu. Mới đây, theo đánh giá của CIB - Văn phòng tình báo về hàng giả của Phòng Thương mại Quốc tế ICC, hàng giả, hàng nhái chiếm 5%-7% tổng doanh số kinh doanh thế giới. 

Tại Việt Nam, thực trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp. Hàng nhái, hàng giả xuất hiện ở mọi nơi, từ những mặt hàng thông thường đến những mặt hàng cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến tư liệu sản xuất… Hàng giả, hàng nhái đang là nguy cơ lớn đối với các nhà sản xuất trong nước, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư sản xuất, nhiều mặt hàng còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người, động thực vật. Thậm chí còn làm mất giá trị của thương hiệu hàng hoá Việt với thị trường quốc tế. 

Báo cáo của Tổng cục QLTT cho biết, 10 tháng năm 2019, lực lượng chức năng đã kiểm tra 141.000 vụ việc, phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.

Riêng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong 10 tháng qua đã kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến những vụ việc điển hình đã bị phanh phui như: vụ việc hàng giả là quần áo, túi xách, đồng hồ giả mạo nhãn hiệu tại TP HCM (khu vực chợ Bến Thành, Trung tâm Thương mại Sài Gòn Square), TP Hà Nội (khu vực chợ Ninh Hiệp-Gia Lâm, khu vực huyện Phú Xuyên); TP. Hải Phòng (kho hàng hoá tại quận Hải An); Vụ việc sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu The North Face trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Vụ việc kiểm tra đồng hồ giả mạo các nhãn hiệu của Thuỵ Sĩ...

Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán qua mạng Internet vẫn diễn ra phổ biến và chưa được kiểm soát hiệu quả. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh chính đáng và người tiêu dùng.

Trong điều kiện kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, dự báo nạn hàng giả, hàng nhái sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp hơn, tinh vi hơn, mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Ông Lê Thế bảo kiến nghị, các lực lượng chức năng cần nỗ lực hơn nữa trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, các doanh nghiệp cần theo dõi sát thị trường tiêu thụ hàng hóa của mình, chủ động tố giác các vi phạm, coi quyền sở hữu trí tuệ là giá trị nhãn hiệu hàng hóa, là tài sản vô hình phải bảo vệ. Cần bỏ suy nghĩ, coi công tác chống hàng giả, hàng nhái chỉ của cơ quan chức năng.

“Ngoài ra, mỗi người tiêu dùng nên tự trang bị cho mình thêm kiến thức, nhất là qua các phương tiện thông tin đại chúng, để có cách tiêu dùng chuẩn mực, thông minh, tránh trở thành nạn nhân của nạn hàng giả, hàng nhái. Với các giải pháp đồng bộ, chắc chắn trong thời gian tới, tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái sẽ từng bước được đẩy lùi”, ông Lê Thế Bảo nhấn mạnh./.