Hồi đầu tháng 11, Đội Quản lý thị trường số 17 thuộc Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện, tại một cơ sở may mặc có hành vi cắt tem nhãn trên các sản phẩm quần áo có nguồn gốc nước ngoài, đính thay bằng nhãn hiệu của các thương hiệu thời trang nổi tiếng như NEM, IFU…

Đáng chú ý là, toàn bộ số hàng hóa khi phát hiện là hành nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng cơ sở hoàn toàn không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc với tổng khối lượng hàng hóa khoảng 4 tấn, có tổng trị giá hàng hóa khoảng 2 tỷ đồng.

Hiện nay, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đang tiến hành xác minh nguồn gốc số hàng hóa vi phạm nhãn hiệu kể trên. Đối với các nhãn hiệu thời trang có mặt trong quá trình kiểm tra và có dấu hiệu vi phạm thương hiệu hàng hóa như NEM, IFU, lực lượng QLTT đã yêu cầu chủ các doanh nghiệp này có mặt để giải trình, làm rõ nguồn gốc của các sản phẩm nêu trên cũng như giải thích hành động sai quy định đã bị bắt giữ.

nem2_nnxx.jpg
Một cửa hàng NEM trên đường Kim Mã, Hà Nội. (Ảnh: Người Đồng hành)

Dư luận sẽ lại có dịp bất bình và đặt dấu hỏi lớn bởi cung cách làm ăn của các doanh nghiệp này. Như Công ty CP Thương mại NEM với hệ thống gần 60 cửa hàng trên toàn quốc, trong đó tập trung nhiều nhất tại Hà Nội (16 cửa hàng) và TP HCM (7 cửa hàng) hầu hết trên các tuyến phố lớn. Nhiều người còn không tin việc NEM khi đã tạo lập được thương hiệu nổi tiếng, được nhiều tín đồ thời trang tin dùng nay lại có cách kinh doanh khuất tất như vậy.

Tương tự với NEM, IFU Fashion cũng là thương hiệu thời trang dành cho phái nữ bao gồm áo, quần, đầm, chân váy và jumpsuit. Với hệ thống gồm 18 cửa hàng trên toàn quốc, nhưng hãng thời trang này hiện đang đóng trang web vô thời hạn mà không thông báo lý do. Ngay cả fanpage IFU fashion cũng bất ngờ khoá không lý do. 

Sự việc “lùm xùm” này còn tăng phần kịch tính khi hơn 1 năm trước đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã ra thông báo về việc bán khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo của Công ty CP Thương mại NEM.

Theo thông báo của VietinBank, tính đến ngày 22/8 dư nợ khoản vay của NEM tại VietinBank là gần 111 tỷ đồng, gồm gần 61 tỷ đồng dư nợ gốc và khoảng 50 tỷ đồng nợ lãi. Trong khi giá trị tài sản bảo đảm, bao gồm toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển (hàng thời trang: quần, áo, đầm...) của công ty tại thời điểm 30/6/2018 được đánh giá ở vào khoảng 33,9 tỷ đồng.

Công ty CP Thời trang NEM thành lập tháng 7/2007 hoạt động đa ngành hơn từ kinh doanh bất động sản, sản xuất giày dép, các sản phẩm từ da, lông thú cho đến bán buôn thiết bị điện tử…

Theo giới thiệu trên website của hãng, hiện mỗi tháng thương hiệu NEM cho ra mắt trên 500 mẫu thời trang. Chiến dịch truyền thông của NEM hướng tới tài trợ độc quyền cho giới MC, người mẫu, người nổi tiếng và quảng bá trong nhiều bộ phim, chương trình truyền hình.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, hoạt động của NEM có phân sa sút. Tính đến 31/12/2016, tổng giá trị hàng tồn kho của công ty là gần 62 tỷ đồng. Tài sản dài hạn khác là 296 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản của công ty (587 tỷ đồng).

Cuối năm 2017, có thông tin NEM đang đàm phán bán lại cho Stripe International Inc, một công ty bán lẻ quần áo thời trang của Nhật Bản được thành lập từ năm 1995, với vốn điều lệ 100 triệu Yen.

Theo đánh giá của Stripe International tại thời điểm đàm phán thâu tóm, NEM là hãng thời trang công sở lớn thứ 2 tại Việt Nam, tốc độ mở mới hơn 10 cửa hàng mỗi năm và doanh thu đạt mức tăng trưởng 20%/năm.

Sau khi mua lại NEM, Stripe International tin tưởng hãng thời trang Việt Nam này có khả năng đạt được kế hoạch doanh thu 26 triệu USD trong năm 2017 (khoảng gần 600 tỷ đồng). Tuy nhiên cho đến nay thương vụ trên có thành công hay không, giá trị thương vụ là bao nhiêu vẫn chưa được tiết lộ.

Sau vụ Khaisilk đến những lùm xùm này, các tín đồ thời trang trong nước thực sự thất vọng và bất bình vì cách làm ăn của các doanh nghiệp này./.