“Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) là chương trình phát triển vùng được khởi xướng từ năm 1979 tại Nhật Bản. Chương trình đã mang lại những thành công nhất định với sự tham gia và học tập kinh nghiệm của hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, nhiều mô hình OVOP đã được xây dựng và phát triển nhằm tăng trưởng ngành nghề nông thôn, thu hút lao động làm việc tại các làng nghề. Chỉ tính riêng tại Hà Nội - nơi có tiềm năng phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; các sản phẩm nông sản chế biến và các dịch vụ du lịch làng nghề, phong trào OVOP mới ở dạng xây dựng đơn lẻ, kết quả phát triển làng nghề chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của yêu cầu phát triển.

dsc_0240.jpg
Cải tiến chất lượng cùng mẫu mã bao bì tạo nên sức hấp dẫn cho sản phẩm làng nghề.

Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội thì với 1.350 làng nghề và làng có nghề (gần 244 làng nghề truyền thống), năm 2011, giá trị sản xuất của làng nghề trên địa bàn Thủ đô là trên 8.232 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của toàn thành phố.

Mặc dù thế, khi áp dụng mô hình OVOP cho việc phát triển kinh tế làng nghề, Hà Nội vẫn thực sự chưa khuyến khích được người lao động nỗ lực trong việc tận dụng nguồn lực địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn các làng nghề truyền thống và nhất là phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Việc phát triển các làng nghề theo mô hình OVOP ở Hà Nội hiện nay về cơ bản là thiếu và yếu về nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trong thiết kế và phát triển sản phẩm, kỹ năng sản xuất các mặt hàng tinh xảo có giá trị gia tăng cao.

Bó hẹp giao thương chắp nối doanh nghiệp

Theo đánh giá của bà Đào Thu Vịnh – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, công tác xúc tiến thương mại dành cho các sản phẩm OVOP của Hà Nội trong những năm qua, mặc dù đã được quan tâm bằng các hoạt động hội chợ triển lãm, giao thương chắp nối doanh nghiệp nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có những chương trình mang tính dài hạn và hiệu quả.

“Các mặt hàng chế biến nông sản từ các làng nghề của Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Công tác đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do quy mô sản xuất nhỏ và các chuẩn quản lý chất lượng còn chưa được các làng nghề áp dụng. Bên cạnh đó, phương pháp sản xuất cũng như hình thức đóng gói bao bì sản phẩm thực sự chưa thu hút được người tiêu dùng”- Bà Đào Thu Vịnh nhận định.

Nhìn chung, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đều có điểm mạnh mang tính truyền thống, có giá trị thẩm mỹ cao, đáp ứng được các tiêu chí “mỗi làng một sản phẩm”. Tuy vậy, những hạn chế về mẫu mã, tính đồng đều của chất lượng sản phẩm, các hoạt động xúc tiến thương mại… đang là rào cản hạn chế khả năng xuất khẩu cho sản phẩm cũng như mức tiêu thụ nội địa.

Đại diện Sở Công thương Hà Nội cũng cho rằng, mặc dù Sở đã xây dựng và quy hoạch 15 làng nghề kết hợp với du lịch, nhưng người dân ở các làng nghề còn chưa quen với hình thức du lịch làng nghề, thiếu kiến thức về tiếp thị và trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng đặc biệt là các dịch vụ cân thiết để đón tiếp khách du lịch còn thiếu, sản phẩm du lịch hiện vẫn còn dựa vào các nguồn tài nguyên có sẵn, ít tạo nên sự khác biệt giữa các làng nghề… khiến cho các chương trình du lịch trở nên nghèo nàn, kém hấp dẫn. Đây cũng là một hạn chế lớn trong việc quảng bá, giao thương hình ảnh cũng như sản phẩm tiêu biểu của làng nghề đến với cộng đồng các doanh nghiêp trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh OVOP bằng hướng tìm thị trường

Việc triển khai chương trình xúc tiến thương mại OVOP giai đoạn 2012 – 2015 của Sở Công thương Hà Nội đang là hành động thiết thực, phục vụ mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, giúp các làng nghề Hà Nội tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Giám đốc Sở Công thương Hà Nội - Lê Hồng Thăng nêu rõ, chương trình xúc tiến thương mại OVOP 2012 - 2015 được chia làm 4 nhóm đối tượng mặt hàng rõ ràng. Nhóm mặt hàng/làng nghề tiêu biểu có giá trị sản xuất hàng năm cao đang xuất khẩu hoặc có tiềm năng xuất khẩu cao. Nhóm làng nghề sản xuất các mặt hàng có thể được thiết kế lại phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại của thị trường thế giới và nội đia để nâng cao giá trị sản xuất. Nhóm mặt hàng tiềm năng phát triển giá trị sản xuất thông qua phát triển du lịch và nhóm các sản phẩm mới mà thị trường có nhu cầu cao và cần thiết phải nhân cấy tại các làng nghề.

Bên cạnh đó, theo bà Đào Thu Vịnh – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, để phát triển OVOP 2012 – 2015 thực sự có hiệu quả trên cơ sở những tiềm năng và thực trạng của làng nghề Hà Nội, trước hết phải có sự hỗ trợ từ phía nhà nước bằng các cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi trong đó chú trọng tới chính sách xúc tiến thương mai đối với các sản phẩm OVOP.

“Các nhà sản xuất tại các làng nghề phải chủ động sản xuất các sản phẩm xuất phát từ nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển các sản phẩm mới có tính sáng tạo nhưng mang bản sắc truyền thống. Các làng nghề cần áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao sản xuất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra cần thiết phải có sự trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế trong việc phát triển phong trào OVOP” – bà Định chỉ rõ.

Tham dự cuộc hội thảo quốc tề về OVOP được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Tadashi Uchida, Phó chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Quốc tế và Xúc tiến phong trào mỗi làng một sản phẩm Oita (Nhật Bản) cho rằng, đại đa số các sản phẩm của các làng nghề tại Hà Nội hiện chưa có thị trường, chính xác hơn là người Hà Nội vẫn chưa biết cách tìm kiếm thị trường để tiêu thụ các sản phẩm do các làng nghề làm ra.

“Để làm tốt và phát triển phong trào OVOP chung trong nét đặc trưng riêng của Hà Nội, nhất thiết phải khẳng định được chất lượng riêng vốn có của sản phẩm làm ra tại mỗi làng nghề cũng như trình độ chuyên môn của những con người trong làng nghề đó, từ đấy sẽ làm cơ sở cho cho việc liên kết tạo ra hướng xúc tiến thương mại mang tính rộng khắp” – Ông Tadashi Uchida chia sẻ./.