Sáng 7/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội làm việc tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Báo cáo kết quả giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy: Số lượng các làng nghề và nghề trong làng ở nhiều địa phương có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đang đặt ra đối với không ít làng nghề là vấn đề ô nhiễm môi trường.

Theo Báo cáo môi trường quốc gia 2008, ô nhiễm môi trường làng nghề làm gia tăng người mắc bệnh đang lao động và sinh sống tại chính làng nghề. Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Ở nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh, nhất là nhóm người trong độ tuổi lao động đang có xu hướng tăng cao. Ở một số làng nghề có mức độ ô nhiễm cao thì tuổi thọ trung bình của người dân giảm, thấp hơn đến 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và thấp hơn từ 5-10 năm so với làng không làm nghề.

langhe.jpg

Thức lớn đang đặt ra đối với không ít làng nghề là vấn đề ô nhiễm môi trường

Vấn đề ô nhiễm ở nhiều làng nghề tồn tại từ lâu nhưng chưa có biện pháp khắc phục và giải quyết hiệu quả, dẫn đến ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, của cộng đồng dân cư. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2008, tại các làng sản xuất, tái chế kim loại, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số. Tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, nhiều bệnh tật gia tăng như: bệnh phụ khoa (13-38%), bệnh về đường tiêu hóa (8-30%), bệnh viêm da (4,5-23%), bệnh đường hô hấp (6-18%), bệnh đau mắt (9-15%)…

Còn tại khu kinh tế (KKT), các địa phương chưa thống kê được số người mắc bệnh, loại bệnh cũng như chưa có đánh giá thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra từ hoạt động của các KKT. Tuy nhiên, dự báo các tác động từ ô nhiễm môi trường có thể xảy ra trong tương lai như: Tác động từ hoạt động của các KKT lên môi trường không khí. KKT có hoạt động sản xuất công nghiệp với tần suất cao. Các nhà máy, phân xưởng sản xuất hóa chất, sơn, xi măng, nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, dầu FO, DO là nơi phát sinh các chất ô nhiễm như bụi, SO2, CO, NO2, các loại hơi khí độc và hóa chất khác nhau có khả năng thâm nhập sâu vào đường hô hấp, gây ra các bệnh về phổi, mắt, bệnh ngoài da, tim mạch.

Nước thải của các doanh nghiệp trong KKT có chứa các chất hữu cơ khó phân hủy, kim loại nặng, hóa chất độc hại và nhiều chủng vi sinh vật khiến cho môi trường nước mặt bị ô nhiễm và theo thời gian nước ngầm cũng bị ô nhiễm. Nếu nước mặt và nước ngầm bị ô nhiễm nặng, sẽ gây ra tác động mạnh, có mức độ lan tỏa rất nhanh, phát sinh nhiều bệnh tật đối với con người và vật nuôi. Ô nhiễm nước sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của công nhân, nhân dân sinh sống trong KKT gây ra các bệnh tiêu chảy, tả, viêm da, đau mắt, đường ruột, ung thư.

Tăng mức xử phạt đối với vi phạm đến môi trường 

Trước thực trạng đáng báo động về sự đe doạ nhiễm môi trường từ các làng nghề, KKT đối với sức khoẻ con người, đại biểu Trương Thái Hiền (đoàn Kiên Giang) và Mã Điền Cư (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng: Hiện nay, thu phí bảo vệ môi trường còn thấp, việc xử phạt các doanh nghiệp, đơn vị gây ô nhiễm môi trường chỉ mang tính chất hình thức, răn đe nên chưa xử lý triệt để tình trạng doanh nghiệp vì lợi nhuận sẵn sàng xả nước thải, khí độc ra môi trường, các dòng sông. Vì vậy, cần tăng phí bảo vệ môi trường và tăng hình phạt xử lý các đơn vị, doanh nghiệp xả nước thải bừa bãi.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) bày tỏ: Cần phải xử lý nghiêm, phạt nặng những doanh nghiệp tại các KKT, làng nghề không thực hiện việc bảo vệ môi trường, làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của nhân dân. Nếu thực hiện tốt vấn đề này thì những doanh nghiệp khác sẽ lấy đó làm gương để có ý thức bảo vệ môi trường.

Các địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển KKT, làng nghề phù hợp; kêu gọi doanh nghiệp nên dành kinh phí cải tiến công nghệ xử lý môi trường. Đại biểu Trương Thái Hiền (đoàn Kiên Giang) kiến nghị và cho rằng, cần phải có chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ môi trường đối với làng nghề, KKT.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) cho rằng: Làng nghề phải dựa theo sự phát triển của vùng, miền, gắn với phát triển kinh tế-xã hội. Chính sách đầu tư công nghệ phải đi đôi với bảo môi trường tại các làng nghề, KKT.

Cần siết chặt việc cấp giấy phép đầu tư cho các dự án kinh tế, phát triển làng nghề. Việc cấp giấy phép phải dựa trên thực tế doanh nghiệp có đủ năng lực, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường hay không và nên để cho người dân giám sát trực tiếp hoạt động sản xuất và thực hiện bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Đó là quan điểm của đại biểu Ly Kiều Vân (đoàn Quảng Trị).

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội), Ma Thị Thuý (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, các địa phương nên để cho người dân tại các khu vực có các KKT, làng nghề tham gia theo dõi, giám sát ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Nếu thấy doanh nghiệp có vi phạm, người dân có thể báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ngoài ra, để hoạt động bảo vệ môi trường tại các KKT, làng nghề  phát huy hiệu quả cần nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan bảo vệ môi trường./.