Sáng 29/9, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Đây là chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2011 theo Nghị quyết số 54/2010/QH 12.
Theo Báo cáo kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã làm việc với lãnh đạo nhiều Bộ, ngành và các cơ quan hữu quan; làm việc với 19 tỉnh, thành phố; khảo sát 15 khu kinh tế ven biển và 54 làng nghề.
Khu kinh tế nhiều nhưng chưa phù hợp
Khảo sát tại 15 Khu kinh tế (KKT) ven biển cho thấy, công tác quy hoạch chung xây dựng KKT đến năm 2020 đã cơ bản hoàn thành. Một số KKT đang thu thu hút được nguồn đầu tư lớn trong và ngoài nước. Một số KKT khẳng định đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế và ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và cử tri, để tập trung nguồn lực cho đất nước phát triển một cách có chiều sâu và bền vững thì số lượng các KKT được hình như vậy là tương đối nhiều, chưa thực sự phù hợp với điều điều kiện kinh tế của các địa phương cũng như cả nước. Phần lớn các KKT đều quy hoạch chậm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật-xã hội còn yếu kém, thu hút ít đầu tư. Mô hình quản lý KKT do UBND cấp tỉnh ủy quyền với nhiều chức năng quản lý nhà nước đã tạo nên khó khăn nhất định trong việc thực hiện các chức năng bảo vệ môi trường…
Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến người dân sinh sống tại các làng nghề |
Một thực trạng dễ nhận thấy nhất rất ít KKT có khu xử lý nước thải tập trung hoặc có nhưng hiệu quả hoạt động hạn chế. Có nơi hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn thanh tra, kiểm tra. Môi trường đất, môi trường không khí bị ô nhiễm cục bộ ở các mức độ khác nhau do các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, san lấp mặt bằng. Đặc biệt là các KKT có các nhà máy xi măng, hóa chất, điện, chế biến thực phẩm…
Bên cạnh đó, chất thải nguy hại thuộc các ngành nghề giày da, ắc quy, chế biến gỗ, thuốc bảo về thực vật, hóa chất… hầu hết đều vẫn tập kết tại cơ sở sản xuất chờ xử lý.
Với tốc độ phát triển của các KKT trong tương lai thì nguy cơ ô nhiễm môi trường là tất yếu, đến lúc đó việc xử lý môi trường là tốn kém và khó khăn. Đến nay, Chính phủ và các cơ quan Chính phủ đã ban hành 57 văn bản liên quan đến KKT và bảo vệ môi trường. UBND các tỉnh ven biển cũng đã ban hành 41 văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật bảo vệ môi trường và các luật khác có liên quan. Tuy nhiên, nhiều văn bản chính sách pháp luật còn hạn chế chưa sát tình hình thực tế, nhiều văn bản pháp luật có nội dung chồng chéo, thiếu tính thống nhất, đồng bộ…
Thách thức ô nhiễm môi trường từ làng nghề
Theo tổng hợp của đoàn giám sát, cả nước có 3.597 làng nghề, trong đó có 1.316 làng nghề được công nhận và 2.281 làng có nghề, tạo việc cho hơn 11 triệu lao động, thu hút 30% lực lượng lao động nông thôn. Tuy nhiên, một thách thức lớn đang đặt ra đối với các làng nghề là vấn đề ô nhiễm môi trường. Do quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, đan xen khu sinh hoạt nên khó kiểm soát, khó quy hoạch và chưa có biện pháp giải quyết có hiệu quả. Các ô nhiễm chủ yếu ở làng nghề là ô nhiễm chất hữu cơ, ô nhiễm chất vô cơ.
Qua giám sát thấy rằng, các chính sách liên quan đến đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường áp dụng cho các làng nghề trên thực tế ít được triển khai. Công tác thanh tra kiểm tra thực hiện chưa thường xuyên, triệt để.
Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất rằng, cần quy hoạch rà soát sắp xếp lại làng nghề; tốc độ ô nhiễm ở các KKT, làng nghề là rất nghiêm trọng. Báo cáo giám sát chưa đánh giá sâu sắc để có giải pháp đúng đắn; chưa làm rõ vai trò trách nhiệm quản lý của Nhà nước trong bảo vệ môi trường; chưa chỉ ra sự chồng chéo trong quản lý Nhà nước, chưa cụ thể hóa các giải pháp thực hiện để làm rõ vấn đề.
Các đại biểu cũng đề nghị báo cáo cần phân tích sâu thêm về công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường bởi đầu tư công nghệ xử lý môi trường là tốn kém nếu chỉ trông vào ngân sách bảo vệ môi trường không thôi là khó có thể làm tốt việc bảo vệ môi trường.
Đồng ý với việc phải sắp xếp lại làng nghề nhưng đại biểu Trần Văn Hằng đề nghị không nên tập trung những làng nghề ô nhiễm vào một chỗ, vì làng nghề vốn gắn với truyền thống làng xã nếu dồn lại sẽ làm mất sự sáng tạo, sức sống của làng nghề.
Đại biểu Trương Thị Mai đề nghị báo cáo giám sát cần xét nghiên cứu đưa ra 1 nhóm giải pháp xử lý theo lộ trình có bước đi của Chính phủ trong giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường tạo lòng tin của người dân ở khu vực ô nhiễm vào thực hiện giải quyết ô nhiễm môi trường của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Kim Khoa nêu ý kiến trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi chính sách pháp luật bảo vệ môi trường chưa rõ.
Theo đại biểu Phan Xuân Dũng cần luật hóa khái niệm về làng nghề bởi thực tế có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản sắt thép không mang tính nghề truyền thống.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan góp ý: Báo cáo giám sát mới dừng ở các KKT ven biển là chưa đầy đủ, chưa giám sát các loại hình các KKT cửa khẩu, KKT Quốc phòng là thiếu tính bao trùm cả nước để Quốc hội ra Nghị quyết. Báo cáo giám sát cũng cần phân tích cụ thể hoàn cảnh chính sách pháp luật từng làng nghề. Rút ra những điều chính sách pháp luật hợp lý, không hợp lý để có điều chỉnh dần.
“Với các văn bản chính sách pháp luật, điểm nào chưa đi vào cuộc sống, vướng ở đâu thì cần phải phân tích cụ thể, chỉ ra điểm đúng và chưa đúng”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh./.