Nhiều giải pháp được triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn cần được tháo gỡ để lĩnh vực đánh bắt, khai thác hải sản phát triển bền vững.
Nhận thức người dân đã thay đổi
Ông Võ Ngọc Thu, chủ tàu cá ở xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang cho biết, thiết bị thiết bị giám sát hành trình tàu cá rất thiết thực, ở nhà cũng có thể kiểm soát được vị trí tàu đang đánh bắt. Ông có thể trực tiếp liên hệ với tài công, trao đổi lịch trình, kế hoạch đánh bắt để đảm bảo đúng quy định. Cũng từ đó, ông không còn lo vấn đề đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, bị tịch thu tàu mất hết tài sản.
"Tôi thấy trạm biên phòng ở Lình Huỳnh thường nhắc nhở bà con ngư dân. Làm nghề hơn 30 năm, tôi thấy việc này rất phù hợp. Trạm biên phòng đã tuyên truyền để mọi người đừng đi đánh bắt xâm phạm nước ngoài là điều tốt. Mọi người đi đánh bắt ở nước ngoài khi bị bắt sẽ bị mất đi tài sản rồi bị bắt bớ, ảnh hưởng kinh tế, cho nên tôi thấy điều đó tốt, bà con cũng đừng đi ra nước ngoài xâm phạm vùng biển nước bạn" - ông Võ Ngọc Thu cho biết.
Tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 3.400 trong tổng số hơn 3.800 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên gắn thiết bị giám sát hành trình. Có được kết quả này là nhờ các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Tại trạm kiểm soát Biên phòng Lình Huỳnh ở huyện Hòn Đất – một trong những trạm biên phòng có lượng tàu ghe ra vào lớn của tỉnh Kiên Giang, các buổi nói chuyện, họp dân, đối thoại trực tiếp với chủ tàu, tài công, ngư phủ… thường xuyên được tổ chức. Nội dung được các cán bộ, chiến sỹ tập trung vào vấn đề ngư trường, bến bãi, các quy định về đánh bắt của ngành thủy sản.
Thiếu úy Hồ Đông Hồ, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Lình Huỳnh chia sẻ: "Tuyên truyền với bà con để nắm được trong quá trình đánh bắt trên biển có 2 vấn đề nổi trội. Thứ nhất, khai thác hải sản khu vực vùng cấm, bà con cũng biết toạ độ quy định rồi. Khi khai thác vùng cấm thì ảnh hưởng rất nặng nề. Thứ nhất là kiệt quệ nguồn lợi thuỷ sản. Thứ hai là vấn đề khai thác trộm, trái phép vùng biển ở nước ngoài. Ở Lình Huỳnh có 1 số phương tiện ra nước ngoài đánh bắt dẫn đến hậu quả rất nặng nề, nặng nhất là bắt ở tù, đốt tàu. Khi về nước thì pháp luật sẽ có một số hình phạt khác".
Cùng với Kiên Giang, tỉnh Cà Mau đã có hơn 1.300 trong tổng số hơn 1.600 tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau thời gian qua đã đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý các tàu cá đánh bắt sai quy định. Từ năm 2017 đến nay, đã có hơn 850 vụ vi phạm được xử lý. Tổng số tiền xử phạt hơn 13 tỷ đồng. Đặc biệt, có trường hợp đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài bị UBND tỉnh Cà Mau ra các quyết định xử phạt hơn 1 tỷ đồng.
Vẫn còn những khó khăn phải gỡ
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, chưa có tàu đánh bắt nào của tỉnh Cà Mau bị nước ngoài bắt giữ. Kết quả đó một phần đến từ các quy định xử lý vi phạm đã cơ bản hoàn thiện, đảm bảo tính răn đe. Tuy nhiên, hiện còn một số hành vi chưa có quy định để xử lý, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ. Như hành vi cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, bị xử lý như thế nào thì chưa có...
"Ngay từ khi các văn bản pháp luật có liên quan đến lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chưa có hiệu lực, tỉnh Cà Mau đã triển khai bắt buộc các tàu cá thực hiện. Sau một thời gian dài thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, quy chuẩn của thiết bị này chưa được ban hành cụ thể. Rồi việc tổ chức giám sát, theo dõi, phối hợp xử lý các dữ liệu trên hệ thống cũng còn bất cập. Hiện vẫn chưa phân vai rõ ai trụ trì, ai phối hợp" - ông Triều bày tỏ.
Ngoài ra, việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản cũng đang gặp những khó khăn rất cơ bản. Hiện toàn tỉnh Cà Mau có gần 4.500 phương tiện đánh bắt nhưng chỉ có 2 cảng cá Rạch Gốc và Sông Đốc đủ điều kiện cấp chứng nhận. Theo tập quán đánh bắt, các tàu lại thường vào bờ tập trung nên thường xuyên xảy ra quá tải. Ngay cả cơ sở hạ tầng kết nối với cảng cá cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Trong Hội nghị tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả quản lý, chống khai thác hải sản bất hợp pháp được UBND tỉnh Cà Mau tổ chức vừa qua, vấn đề quản lý các phương tiện đánh bắt gần bờ, đảm bảo phát triển bền vững cũng còn hạn chế.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhìn nhận, vấn đề quản lý tàu cá đánh bắt gần bờ còn lỏng lẻo. Từ đó, đề nghị các cơ quan chức năng liên quan và địa phương ven biển vào cuộc quyết liệt hơn, tập trung điều tra để kiểm soát theo hướng: tàu nào đánh bắt đúng ngành nghề thì cho đăng ký thực hiện, còn lại phải tính đến việc chuyển đổi ngành nghề.
Ông Lê Văn Sử nhấn mạnh, Chính Phủ đặc biệt quan tâm vấn đề triển khai các giải pháp để gỡ “thẻ vàng”. UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, cũng đã có những cách làm để tạo đột phá. Trong đó, công tác tuyên truyền thời gian qua đã làm tốt rồi thì phải làm tốt hơn. Đặc biệt, việc quan trọng nhất hiện nay là bằng mọi giải pháp phải ngăn chặn đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Theo ông Sử: "Chúng ta đã có cố gắng trong tuyên truyền nhưng đạt được mục đích chưa, thì chưa. Tôi đề nghị công tác tuyên truyền chúng ta phải tiếp tục thực hiện theo hướng đổi mới cả nội dung và phương pháp để cùng với các giải pháp khác thì công tác tuyên truyền thật sự có tác dụng. Vấn đề tàu vi phạm vùng biển nước ngoài là bức xúc nhất mà EU không gỡ thẻ vàng cho chúng ta. Bây giờ, chúng ta căn cứ vào các quy định đã có tiếp tục thực hiện gắn thiết bị giám sát cho tất cả các tàu. Việc lắp đặt, kiểm soát, xử lý vi phạm thông qua giám sát hành trình phải được đảm bảo thực hiện".
Có thể nói, các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đã rất nỗ lực thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Tín hiệu vui là người dân dần nhận thức được và thực hiện đánh bắt đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong triển khai các giải pháp, còn đó những khó khăn mà các địa phương không thể tự tháo gỡ như đã đề cập phần trên của bài viết. Điều này cần có sự vào cuộc sớm từ các bộ, ngành để các địa phương trong khu vực ĐBSCL triển khai và thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới./.