Theo tờ trình của Chính phủ, qua 4 năm thực hiện, Luật thuế GTGT cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành. Song với những diễn biến sôi động của nền kinh tế, nhiều quy định tại luật thuế này đã bộc lộ những hạn chế như: một số nhóm hàng hoá, dịch vụ có tiêu thức xác định không chịu thuế chưa được quy định rõ, chưa phù hợp với bản chất của thuế GTGT, phương pháp khấu trừ thuế chưa phù hợp với sự vận động của nền kinh tế... Vì vậy, Chính phủ đã đề xuất sửa đổi 7 vấn đề liên quan đến dự án luật gồm: đối tượng được miễn thuế, giá tính thuế, thuế suất, ngưỡng đăng ký nộp thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế và giải pháp giảm thuế để “cứu” thị trường bất động sản (BĐS).

Trong thảo luận ở tổ về nội dung sửa đổi Luật thuế GTGT, liên quan đến việc “phá băng” thị trường BĐS cho hiệu quả, ĐB Chu Sơn Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành giải pháp giảm 50% thuế GTGT đầu ra đối với những hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Ưu đãi này áp dụng với những hợp đồng phát sinh trong giai đoạn từ 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014. Tuy nhiên, đề xuất này là không khả thi bởi nếu tính toán dưới góc độ DN, nếu xây nhà ở xã hội với diện tích và giá tiền như vậy khó có thể thực hiện được. Theo ĐB, cần đánh giá rõ tác động của chính sách hỗ trợ này trước khi ban hành bởi nó sẽ gây áp lực khá lớn cho NSNN. Khi DN được hỗ trợ thuế, nhà sẽ bán với giá rẻ và người dân có nhu cầu sẽ mua được nhà. Theo ước tính, hiện thị trường BĐS tồn kho khoảng 21.000 căn hộ với lượng vốn tồn đọng hơn 140.000 tỷ đồng. “Cứu” DN BĐS là điều cần làm nhưng nhà làm xong, NSNN lại lo phần hoàn thiện hạ tầng và nguy cơ thâm hụt sẽ xảy ra. Vòng luẩn quẩn Nhà nước cứu DN rồi DN lại cứu Nhà nước sẽ  tái diễn và điều này cần cân nhắc kỹ. Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Đoàn Hà Nội) cũng nêu ý kiến, trước khi rót vốn NSNN để “giải cứu” DN, cần nghiên cứu kỹ số lượng và đối tượng phá sản, ngừng hoạt động lớn nhất là ngành nào để đưa tiền hỗ trợ tới đúng đối tượng đang khó khăn nhất. Bởi nếu dựa trên số liệu cụ thể tại Hà Nội, số DN đang khó khăn nhất, phá sản nhiều nhất là DN sản xuất vật liệu xây dựng chứ không phải DN kinh doanh BĐS.

Theo tờ trình của Chính phủ, đề xuất giảm thuế GTGT hợp đồng thuê, mua nhà ở xã hội nhằm hỗ trợ và tạo cơ hội cho các đối tượng có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà mua được nhà ở; góp phần giải quyết lượng hàng tồn kho lớn trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Báo cáo của 50 tỉnh, thành phố cho thấy, đến ngày 31/12/2012, tổng giá trị tồn kho trong lĩnh vực bất động sản (căn hộ chung cư, nhà thấp tầng, văn phòng, mặt bằng thương mại, đất nền xây dựng nhà ở, đất nền thương mại khác) khoảng 111.963 tỷ đồng. Trong đó, căn hộ chung cư là 26.444 căn (giá trị số vốn tồn kho khoảng 40.410 tỷ đồng), nhà thấp tầng là 15.786 căn (giá trị số vốn tồn kho khoảng 26.501 tỷ đồng) và văn phòng là 92.800 m2 (giá trị số vốn tồn kho khoảng 1.351 tỷ đồng), mặt bằng thương mại là 98.407m2 (giá trị tồn kho khoảng 1.921 tỷ đồng), đất nền xây dựng nhà ở là 7.922.485m2 (giá trị vốn tồn kho 35.562 tỷ đồng), đất nền thương mại khác là 1.951.033 m2 (giá trị tồn kho khoảng 6.218 tỷ đồng).

Việc đưa ra những sửa đổi nhằm quy định chặt chẽ đối tượng chịu thuế cũng được ĐB Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh. Trên thực tế, đã có trường hợp DN sản xuất sản xuất hàng đũa từ cây Vầu và được hưởng thuế suất GTGT 5% và được hoàn thuế. Sau đó, cơ quan thuế có công văn đề nghị mặt hàng này phải chịu thuế suất 10% do luật quy định các mặt hàng từ Tre phải áp thuế 10%. DN này đã khiếu nại lên Bộ Tài chính và cho rằng, nguyên liệu sản xuất của đơn vị là Vầu, không phải Tre và thắng “kiện”. Vụ việc này cho thấy, nếu luật quy định chặt sẽ các hàng hóa có nguyên liệu họ tre chịu thuế suất 10% thì NSNN đã không bị thất thu./.