Sáng 25/2, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Cơ quan Trung ương tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề quý I/2020 về chuyên đề “Tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam” và “Hoạt động của Cổng dịch vụ công quốc gia góp phần thực hiện phương châm hành động năm 2020 của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả”.

dtu_lpzn.jpg
Lựa chọn lĩnh vực kích cầu đang là bài toán đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp về dịch Covid-19, ông Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt tình trạng khi bệnh dịch kéo dài. Đặc biệt là nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu dự báo thiệt hại có thể lớn gấp 3 - 4 lần so với dịch SARS, lên tới 160 tỷ USD.

Đối với Việt Nam, dịch Covid-19 tác động rất mạnh đến kinh tế. Theo tính toán sơ bộ bước đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 còn phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo và khả năng khống chế dịch Covid-19.

Do vậy, kinh tế Việt Nam năm 2020 có thể giảm từ 0,5% đến gần 1% so với mục tiêu đề ra là 6,8%. Vì vậy,  các doanh nghiệp dù ở tầm vĩ mô hay vi mô đều phải nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Chủ động liệt kê những loại hình rủi ro và cách thức giải quyết vấn đề ngay từ bước lập kế hoạch, tránh bị động trong mọi hoàn cảnh chứ không chỉ riêng dịch Covid-19 lần này.

“Dù mức tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng tuy nhiên không nên quá e ngại như ước tính ban đầu. Muốn đạt được mức tăng trưởng như kế hoạch cần phải có sự nỗ lực bằng nhiều phương diện. Tuy nhiên ở đây cũng đặt vấn đề có cần kích cầu hay không. Khi kích cầu nên chọn ngành, lĩnh vực nào và nguồn lực từ đâu cũng như công tác giám sát ra sao. Trong đó bài toàn chi phí, lợi ích cần phải tính toán kỹ”, ông Sang phân tích./.