Con số này được Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đưa ra tại hội nghị giao ban về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2015. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.

hoi_nghi_tai_co_cau_dnnn_rgqi.jpg

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước, trong năm 2014, công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 25/12 năm nay, cả nước đã sắp xếp 167 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 143 doanh nghiệp, giải thể 3 doanh nghiệp, bán 3 doanh nghiệp, sáp nhập 14 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp. So với năm 2013, số doanh nghiệp sắp xếp gấp 1,65 lần, số doanh nghiệp cổ phần hóa gấp gần 2 lần. Về thoái vốn nhà nước, đến nay, cả nước đã thoái được hơn 6 nghìn tỉ đồng tại 233 doanh nghiệp, gấp hơn 6 lần năm trước và thu về hơn 8.000 tỷ đồng. Nhiều tập đoàn, Tổng công ty triển khai thoái vốn đạt kết quả cao như Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản; Tập đoàn Cao su Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất; Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam.

Tại hội nghị, đại diện các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã báo cáo về tình hình, tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp mình, phân tích những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa 432 doanh nghiệp vào năm 2015.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) cho rằng: Trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cùng với cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp thì rất cần phải thay đổi chiến lược kinh doanh và đổi mới cơ chế vận hành, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, tại Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Năm 2015 Viettel sẽ tiếp tục thoái vốn hầu hết các công ty trong lĩnh vực bất động sản, các công ty không phải là lĩnh vực chính của Viettel. Đồng thời sẽ đẩy mạnh mua bán, sáp nhập các công ty trong ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Những thách thức chính mà Viettel đang phải đối mặt đó là Viettel đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, phát triển chiều sâu và phát triển bền vững, cần sáng tạo hơn. Có những lĩnh vực mới như nghiên cứu sản xuất, điều đó đòi hỏi Vietel phải có những phẩm chất mới và những thay đổi mới về chất”.Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu trong năm tới, cần tập trung vào cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đến năm 2015; đồng thời hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước. Phó Thủ tướng lưu ý, sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công, do đó đề nghị các bộ, ngành cần chuẩn bị kế hoạch để triển khai nghị định này./.