Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam, nông dân tất bật thu nhổ bỏ rau hỏng, gieo hạt, nước tưới, chuẩn bị cho vụ rau mới. Mưa lớn kéo dài khiến những luống rau đang độ thu hoạch của nhà chị Nguyễn Thị Thu và chị Nguyễn Thị Hà bị ngập và úng rễ, vụ này gần như “trắng tay”.

“Trong lúc mưa thì rau có vẻ xanh nhưng đến lúc hết mưa thì rau héo rũ ra, lụi đi. Mưa liên tục rau chết hết, không phải bà con tự đẩy giá lên đâu. Không có rau dĩ nhiên giá rau sẽ tăng lên. Bao nhiêu tiền mua phân, đạm, lân, có khi vừa bón xong mưa là xuống là mất không. Rau các tỉnh chưa về được nên giá tăng lên một chút.”, chị Hà chia sẻ.

Suốt 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch, gia đình ông Nguyễn Văn Trung không thể ra ruộng gieo hạt, trồng cây. Hoạt động sản xuất chỉ trở lại bình thường sau 21/9, bởi vậy mà tới giờ rau nhà ông chưa kịp lớn để bán ra thị trường.

“Do dịch bệnh dừng hết hoạt động nên nhu cầu mua giảm cùng với đó là không thể đi bán được. Bây giờ Nhà nước đã đẩy lùi dịch bệnh các doanh nghiệp lại tiếp tục hoạt động, dịch vụ mở ra thì phải dùng đến thực phẩm. Nhu cầu cao, mà sản xuất nông nghiệp mới ổn định nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu”, ông Trung cho hay.

Hơn một tuần nay, giá rau tại các chợ dân sinh tăng “chóng mặt”. Tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội hầu như loại rau xanh nào cũng tăng giá, tăng cao nhất là các loại rau ăn lá. Cụ thể, rau muống tăng 2 đến 3 lần, từ 7.000-8.000 đồng/bó lên giá 12.000 đến 15.000 đồng/bó; cải ngọt tăng từ 15.000 lên 35.000 đồng đến 40.000 đồng/kg; rau cải xanh, rau mồng tơi có giá 45.000 đến 50.000 đồng/kg; Bắp cải 30.000 đến 35.000 đồng/kg… Đáng chú ý, các loại rau gia vị như hành lá, rau mùi, mùi tàu, thìa là... có mức tăng "chóng mặt", trung bình 70.000 đến 80.000/kg; đặc biệt giá rau thì là lên tới 180.000/kg.

Hơn 30 năm trồng rau, chưa năm nào ông Nguyễn Mạnh Tùng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam chứng kiến mưa nhiều ngày, cùng thời tiết lạnh đột ngột ngay cuối thu khiến 100% rau ăn lá bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng khiến người dân dè chừng hơn trong việc tái sản xuất.

“Giá rau tại thời điểm này cao do 2 yếu tố. Thứ nhất là thời tiết cách đây 1 tháng để có sản phẩm thu hoạch vào thời điểm này là thời tiết mưa dầm, thời tiết thất thường dẫn đến nông sản hỏng hết, sản lượng thấp. Cách dây 2-3 tháng, thời điểm dịch COVID-19 nặng nề, bà con không đi lại được, không sản xuất được, không được sản xuất thì không có sản phẩm”, ông Tùng cho hay.

Hằng năm, tại thời điểm này, rau vụ đông chưa thu hoạch rộ, rau vụ hè đã hết mùa, giá rau luôn nhích lên đáng kể và sẽ giảm mạnh sau đó. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng rau, nông dân dự đoán rằng trong tuần tới, giá rau xanh vẫn ở mức cao. Trong 2 tuần nữa, theo dự kiến, giá rau có thể hạ nhiệt khi thời tiết ổn định, không có mưa kéo dài, và nông dân chính thức thu hoạch rau vụ đông.

“Bây giờ bắt đầu nới lỏng giãn cách, người dân bắt cũng đầu gieo giống chắc có lẽ trong thời gian tới giá cả sẽ ổn đinh”, ông Nguyễn Mạnh Tùng nói./.