Bình Thuận hiện có hơn 2.000 chiếc tàu có chiều dài hơn 15 mét, đánh bắt xa bờ, tập trung ở thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết, huyện Phú Quý và huyện Tuy Phong. Mỗi chuyến ra khơi của các tàu này thường kéo dài từ 15 đến 20 ngày, có thời điểm cả tháng.

Theo các chủ tàu, trước đây xăng dầu chưa lên giá, chỉ cần có 50 triệu đồng để trữ 4.000 lít dầu cho một chuyến biển 10 ngày, tuỳ theo công suất tàu, thì hiện nay chi phí này lên đến 80 triệu đồng. Thêm vào đó, hiện nay, giá hải sản khá bấp bênh, mức độ tiêu thụ không được như trước do ảnh hưởng của thời gian dịch bệnh kéo dài, nhiều ngư dân bỏ nghề biển để tìm việc khác nên chủ tàu rất khó khăn để ra khơi.

Vừa cập cảng Phan Thiết sau 10 ngày bám biển, tàu của ông Tần Phước Hoà, (ngụ xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý) đánh bắt được hơn một chục tấn hải sản nhưng bán xong không đủ chi phí. Ông Hòa quyết định cho tàu nằm bờ.

“Phấn đấu để bám biển nhưng điều kiện không cho phép, lý do càng bám biển bao nhiêu càng thua lỗ bấy nhiêu. Nguồn cá cạn kiệt nhiều lắm, dầu xăng lên giá buộc ngư dân gặp khó khăn chồng chất khó khăn. Nằm trụ lại chứ không thể tiếp tục đi nữa”, ông Hòa than thở.

Còn ông Trịnh Văn Bảy, ở khu phố 6, phường Đức Thắng, TP.Phan Thiết có chiếc tàu công suất 350 CV, hành nghề kéo đơn vừa kết thúc chuyến biển với chi phí lên đến 120 triệu đồng, tăng hơn 30% so với trước, chủ yếu do giá dầu tăng. Ông Bảy cũng tính chuyện tạm dừng ra khơi để tránh thua lỗ.

“Cũng mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện cho bà con ngư dân vay vốn để có tiền mua xăng dầu và tổn phí khác để vươn khơi bám biển. Xăng dầu tăng cao thế này, bạn thuyền cũng không có để đi, đi không có dư, một là đủ, hai là lỗ thì nhiều, còn dư thì ít lắm. Vì xăng dầu quá cao, còn vô bán giá bấp bênh, nay giá này mai giá khác”, ông Bảy cho hay./.